Ai cũng có một miền để nhớ, để thương. Đi qua những vui buồn của năm tháng, càng khao khát được trở về quá khứ, nơi có nhưng kỉ niệm đẹp…

Năm học lớp 2 Tôi và cậu em trai thứ hai được lên ở với bố ở lâm trường Việt Hương, thị trấn Kép rẽ phải vào 2 km.

Lâm trường nằm trên một bãi đất nổi trên một thung lũng mà ba phía vây quanh là bốn quả đồi. Trên bãi đất nổi bằng phẳng này là mấy chiếc lán tạm. Các cô chú công nhân hàng ngày lên đồi phát quang, đào hố trồng cây; trưa đến tiếng kẻng đánh lên cũng là lúc nhà bếp nấu ăn xong – họ về ăn uống nghỉ ngơi. Chiều 2 giờ lại đi làm – đến 4:30 giờ mới về.

Bố tôi là cán bộ kỹ thuật lâm trường, thỉnh thoảng đi theo ô tô chở gỗ đã khai thác về xuôi hoặc về lâm trường của Bộ; có khi đi nửa ngày hoặc có hôm từ sáng đến tối mới về. Em trai tôi chưa đi học, thường ở nhà với mấy cô chú nhà bếp. Tôi học buổi sáng cùng hai bạn người dân tộc Tày – nhà ở cách lâm trường một vài con dao quăng.

Bạn trai Dần là bác họ của bạn gái Huệ (ba chúng tôi khá thân nhau); họ đi học vẫn mặc quần áo dân tộc áo màu chàm. Các bạn nam còn thêm một chiếc mũ nồi và một túi dết xanh chàm – giống như Nông Văn Dền mà ký ức tuổi thơ tôi đã bắt gặp nhiều lần ở đâu đó. Cái túi ấy nhiều hôm một ngăn là sách, một ngăn là xôi nếp…

Ngôi trường bao kỷ niệm

Đến cổng lâm trường tôi rẽ trái khoảng 50 mét về nhà. Hai bạn ấy rẽ xuống một con suối nhỏ nước trong vắt qua một cánh rừng thưa nhỏ mọc ngang thung lũng trông rất đẹp. Qua cánh rừng nhỏ ấy leo lên sườn một ngọn đồi phía tây khoảng hơn chục nếp nhà nhấp nhô trên sườn núi trông thật đẹp. Chẳng hiểu sao trong ký ức tuổi thơ lúc ấy tôi còn nhỏ như thế. Tôi cũng không ghi nhật ký mà cho đến giờ vẫn hiện lên trong óc tôi như những thước phim quay lại để tôi nhớ! Nhớ và nhớ nơi ấy.

Những ngày xuân, hoa mơ hoa mận ở đây nở trắng quanh các ngôi nhà ấy trông thật là đẹp. Những buổi chiều khi làm xong bài tập bố giao; thì tôi cùng mấy chị em cái Vững (nó là người Kinh dưới xuôi), bố mẹ nó lên đây khai hoang làm kinh tế; thấy ở đây địa thế đẹp có mấy gia đình cùng quê liền lập ấp ở đây. Ngày ấy cứ mày tao chi tới thế chứ bạn ấy cũng hơn tôi 1, 2 tuổi. Nhà nó xung quanh là một khu vườn trồng đủ các loại cây; nhưng nhiều nhất vẫn là ổi và mít. Mít nhiều đến nỗi mà bếp nhà nó thường có một nồi cá; thịt kho mít (1 món mà tôi thấy khá là lạ lẫm).

thành phố, bắt đầu, tất cả, cảm xúc, yêu thương, trở về, không có, tương lai, lắng nghe, cảm giác.
Thời gian nuôi nỗi nhớ, cất vào miền không tên…

Những dãy nhà, vườn cây

Ở đây ít người nên chị em tôi được người dân ở đây nhất là bố mẹ Vững; Dần và Huệ quý tôi lắm! Coi chúng tôi như những thượng khách. Bố tôi rất đôn hậu nên dân ở khu vực này rất quý ông. Ông là cán bộ công đoàn của lâm trường nên thường liên hệ khăng khít với dân bản địa. Chúng tôi đi chơi một hồi chạy về uống nước nghỉ ngơi cái Vững lại lôi chị em tôi vào bếp mở nồi mít kho bốc ăn rất ngon lành. Ở nhà tôi không bao giờ được phép ăn bốc bả như vậy! Tôi nói thì nó bảo: cứ ăn thoải mái nhà tớ nhiều lắm! Bố mẹ tớ không mắng đâu!

Xung quanh mấy dãy nhà lán lợp lá gồi này đất đai rất tốt. Bố con tôi trồng mấy cây cà chua – sai trĩu quả phải cắm que làm giàn thấp cho nó. Bố tôi thường rửa sạch bửa ra cho tôi chấm đồ ăn. Mà quả cà chua thời ấy cũng khác bây giờ: nó rất to; có nhiều nước bửa ra nhìn múi của nó bột như đường trắng. Nhỏ đem chấm đường ăn sống rất ngon chứ không như cà chua thời nay.

Có những lần buổi chiều hai chị em tôi cùng ba chị em cái Vững (nhà nó có hai chị em gái và đứa thứ ba nhà nó là em trai còn bé; đi đâu nó cũng tha em nó theo như mèo tha con). Chúng tôi cứ trêu nhau như vậy!

Những món quà từ thiên nhiên

Chúng tôi lên bản Nhà thằng Dần và cái Huệ chơi! Bỗng trời đổ trận mưa to thế là chúng tôi cứ mong mãi bao giờ tạnh mưa để về kẻo tối. May mà ở đây mưa rất mau tạnh; lúc về mẹ cái Huệ nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: cái mày về qua suối lũ không được lội qua đấy nhé; phải đợi có người lớn mới được sang vớ!

Chúng tôi đồng thanh: Vâng! Rồi cả lũ ào chạy về! Ôi con suối lúc nãy còn hiền hòa trong vắt giờ đã đục ngầu và dâng lên cao chảy cuồn cuộn. Chúng tôi đợi một lúc có mấy cô bác trong bản đi làm về cõng bế từng đứa một qua một chiếc cầu độc mộc; ai nấy cười vui vẻ. Họ hỏi chúng tôi đi đâu về. Chúng tôi nói vào bản chơi với bạn Dần và Huệ. Các cô bác gật đầu cười, hoá ra đó là con cháu họ hàng của họ. Vào những chiều hè khi các cô chú công nhân từ rừng về thì chiến lợi phẩm là những nón đầy những quả sim, quả mua chín mọng…

Có một miền để nhớ, nỗi nhớ, ký ức, ngọt ngào, hoài niệm, khoảng thời gian, trong lòng, chỉ có.
Ai cũng có một miền quê để nhớ. Dáng mẹ liêu xiêu trong gió lạnh đầu mùa…

Con đường tới lớp học của ba chúng tôi là đường lâm trường xẻ núi san đổ đất đỏ mới tinh. Có lần có con rắn lớn từ trên đồi băng qua đường gặp xe lâm trường chở gỗ sáng sớm đè nát đầu. Tôi nhìn thấy nhắm mắt ôm mặt chạy vòng qua.

Có một miền để nhớ…

Ba chúng tôi yêu quý nhau như anh em ruột thịt. Dần lớn hơn chúng tôi hẳn một cái đầu; nó là bác của Huệ và chắc hơn tôi 1, 2 tuổi. Huệ cũng lớn hơn tôi – tôi nhỏ nhất trong bọn – hai bạn ấy rất yêu chiều tôi. Tôi thường mặc váy mỗi khi ra khỏi cổng trường; các bạn trong lớp bảo tôi quay tròn xem cái váy hoa đẹp của tôi quay tít. Các bạn cứ bảo giống mấy cô văn công về biểu diễn ở đây cách đó mấy tháng.

Cuộc sống của cô bé học sinh sơ tán ở đây cứ êm đềm trôi qua như thế ở một miền đất lạ; nhưng cũng thật nên thơ.

Thỉnh thoảng thứ bảy bố lại cho hai chị em về nhà chơi cùng mẹ; và cô em gái nhỏ của tôi ở nhà máy phân đạm – Bắc Giang. Ở nơi sơ tán là sống rất vui thật yên bình và có các bạn cùng lứa. Chị em tôi cũng chẳng muốn về dưới xuôi. Rồi một hôm bố bảo bố xin chuyển công tác về dưới xuôi.

Thế là chúng tôi bịn rịn chia tay với các cô chú lâm trường, đám bạn bè thân thiết này. Buổi chia tay ấy Dần và Huệ cùng chị em Vững ra chia tay với ba bố con chúng tôi. Khi chiếc xe ô tô chuyển bánh đứa nào cũng ngân ngấn nước mắt. Mấy chục năm qua rồi mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh các bạn vẫy vẫy chúng tôi. Dần ơi, Huệ ơi, Vững ơi, tôi nhớ các bạn lắm! Nhớ lắm miền đất nặng tình người.

Xem thêm: