Nỗi lòng cố hương nơi ôm ấp những hoài niệm tuổi thơ bình yên, vô tư không mang sầu nghĩ… “Bao nhiêu năm dạt trôi xứ người, cuộc đời tha hương tôi luôn ước ao hạnh phúc…”

Chúng tôi chơi thân từ nhỏ. Từ cái thuở mà đi chân đất để bắt dế, chăn trâu rồi câu cá rô đồng; đủ loại thú vui mà chỉ những đứa ở vùng nông thôn hẻo lánh mới biết, thoáng cái đã hơn 20 năm. Bạn bè mỗi đứa một nơi, gần đây chúng tôi lại liên lạc với nhau. Bạn tôi nói rằng, “tao nhớ quê lắm mày à”.

Tôi nhắn lại: “Sài gòn chứ đâu mà xa xôi; mày chạy 3 tiếng đồng hồ là tới, mắc gì không về?”

Nó nói: “Tao bận tối mặt, với lại còn ai nữa đâu mà về, nhà chuyển lên đây cả rồi”

Tôi im lặng, không nhắn lại nữa. Vài ngày sau, nó nhắn tin cho tôi, nói là “tao có viết 1 bài văn”, mày coi đọc được hay không nha. Lúc mở bài ra, trong lòng tôi nghĩ, không biết thằng này bị gì, nay bày đặt viết văn thơ, trong khi hồi nhỏ 2 đứa là đứng chót lớp; mém ở lại mấy lần, nghĩ tới đây tôi lắc đầu, cười nhẹ một cái.

Nỗi lòng cố hương của người xa quê

Để xem nó viết gì…. trước mắt tôi là mấy dòng chữ đơn giản, nhưng tự nhiên đọc lướt qua, tôi lại thấy cay cay. Không biết là nó chạm đến mình lúc nào. Sau đây là nội dung bài viết ấy:

Chào bạn, những người xa quê giống như tôi, không cần phải nói nhiều về bản thân. Bạn chỉ cần biết tôi là một đứa từng lớn lên ở dưới quê, lấm lem bùn đất.

Rồi cũng như bao nhiêu người, lớn lên tôi cảm thấy cuộc đời này không có tiền là không thể nào sống nổi. Thế là quyết tâm đi nơi khác làm ăn, tránh xa cái thôn làng xôi khổ cực; ít ra là sống ở đó người ta nói là đồ nhà quê, không mấy ai coi trọng.

Rồi thì lăn lộn, vật vả hết chỗ này, chỗ khác, trầy da tróc vải, mấy chục năm trôi qua,… bây giờ cũng đã trung niên, cha mẹ, vợ con, nhà cửa tất cả đều tươm tất. Nhưng dạo gần đây, đến cái lúc mà tôi thấy mình khá hài lòng với bản thân hiện tại; thì trong tâm lại có một cảm giác thiếu thốn.

Đứng giữa thành phố rộng lớn, lòng bỗng thấy cô đơn! Nhớ miền quê nhỏ, căn nhà nhỏ với người thân.

Cảm xúc ùa về

Tự nhiên tôi thấy nhớ cái mùi khói đồng, mùi rơm rạ khi cháy xém màu những mùa gặt lúa; mùi tanh của bùn đất khi người ta kéo trâu bò ra cày cấy,

Tôi nhớ chú Tư, trong xóm chú nổi tiếng là hay chọc ghẹo con nít, thời đó tôi là đứa bị chú chọc nhiều nhất, và cũng là đứa không ưa chú ấy nhất. Vì tôi gầy gò, không đủ ăn đủ mặc nên nhìn mỏng manh.

Hễ gặp tôi là chú ấy kêu lớn: “Ê ròm, mày đi đâu đó, nhìn như tấm ván ép, tếu quá đi”. Cũng vì câu nói đó, mà tôi không thích chú ấy, trong lòng nghĩ: “Ông gì kỳ cục, mai mốt lớn lên, mập mạp thử coi còn ai cho ghẹo mà biết!”. Ấy vậy mà giờ chú ấy đã không còn nữa, tụi tôi cũng không còn nhỏ, thời gian sao mà nhanh quá.

Đôi khi bây giờ quay sang thấy mấy đứa nhỏ ăn cơm. Tôi lại nhớ mùi nước cơm loãng, hồi xưa bữa nào mẹ nấu cơm cũng canh coi mẹ chế nước có nhiều không; đợi lúc vừa sôi thì vở nắp ra, chắt ít nước cơm, tưởng tượng là sữa mà uống.

Tới lúc cơm chín, thì đằng nào cũng giành ăn cơm cháy. Vì thực ra lúc đó nhà làm gì có đủ gạo, ở trên toàn củ mì đi mót ở ngoài ruộng; mỗi lần nấu chỉ có nửa chén gạo, đủ cho tôi ăn, sau này lớn lên tôi mới biết.

Cả nhà ăn củ mì muối ớt, chỉ có tôi được ăn gần 2 chén cơm nhỏ. Lúc đó khổ, nhưng nghĩ lại thật là vui. Ăn cơm lúc nào cũng có ba mẹ với ông bà, nguyên nhà không sót ai hết.

Kỷ niệm khó quên

Bây giờ nhìn lại, tôi ăn cơm ngoài đường nhiều hơn là ở nhà, mặc dù công việc tốt, tiền kiếm được cũng khá. Nhưng thời gian ở bên cạnh người thân đã không còn; nói thẳng ra, đã không được như 20 năm về trước, đôi lúc nghĩ mà chạnh lòng.

Nỗi lòng cố hương - Gửi người xa quê
Nhớ những cánh diều bay trên cao, nhớ những ruộng lúa bạt ngàn… (ảnh: hocsaotruc.com).

Tôi nhớ những lúc đi chăn trâu, không khéo ngủ quên trên bờ đê. Tụi nó lao vô ăn phạm lúa của người ta, vậy là chiều tối đó về bị đòn một trận. Lúc đó đau muốn chết, nhưng sao bây giờ nhớ lại, tôi lại nhớ cái cảm giác ấy vô cùng.

Cái cảm giác mà tôi sống chỉ cho hôm nay, không lo âu, phiền muộn, không để tâm đến những toan tính xung quanh, chỉ vô tư, tự tại như một đứa con nít.

Tất nhiên, nói muốn thế mãi cũng không được, vì lớn lên rồi cuộc đời sẽ khác; đâu thể nào như vậy mãi, nghĩ đến đây, tôi chợt thấy đời người sao mà quá khổ. Từ lúc sinh ra cho đến khi chết, con người ta làm được cái gì?

Cứ đi đi, lại lại, tranh giành tranh giành, cuối cùng ai cũng phải chết, như vậy chẳng phải vô vị lắm hay sao?

Gửi người xa quê

Bài viết có mấy câu, nghĩ gì viết đó, không biết tả như thế nào, bởi hồi nhỏ tôi với thằng bạn học dở vô cùng, chỉ có môn nhảy xa là đạt, còn mấy môn văn hóa, ráng dữ lắm mới đủ điểm lên lớp.

Tôi nghĩ người xa quê như tôi không phải ít, có lẽ ai cũng có một nỗi niềm trong lòng, chỉ là không thể hoặc là không muốn nói mà thôi, mà như tôi là còn may mắn. Số phận còn thong dong, một số người làm mãi; quần quật từ sáng tới tối vẫn không đủ tiền trang trải. Vậy nên lấy đâu ra thời gian mà nhớ quê, nhớ nhà.

Khổ nỗi như vậy, tôi tự hỏi đời người mấy chục năm, có được mấy ngày sống cho bản thân?

Vậy nên dù thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo khổ; mạnh khỏe hay đang ốm yếu, bệnh tật,… hãy nghĩ về bản thân một chút, đừng quá lao lực, thấy mệt hãy cứ nghỉ ngơi; thấy buồn hãy cứ xuống nhà mà đi dạo, và tất nhiên…thấy nhớ thì hãy về thăm quê, thăm lại ký ức, hít thở một hơi thật dài không có mùi khói bụi của xe cộ, không có mùi hối hả của bon chen.

Biết đâu, đó lại là một liều thuốc tinh thần vô giá; có thể giúp ta hồi phục nhanh chóng, còn tốt hơn khi an dưỡng ở những nơi cao sang, đắt tiền…

Xem thêm: