Nhiều chị em phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ hay là người đang mắc 1 số bệnh đều băn khoăn, liệu mình có đủ điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hay không? Cùng nghe lời giải đáp của các bác sĩ chuyên khoa.

1. Mắc bệnh phụ khoa có tiêm vắc-xin phòng Covid được không?

Về vấn đề này BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) trả lời:

Trước hết, tôi xin được khẳng định mắc bệnh viêm lộ tuyến hay bất cứ bệnh phụ khoa nào khác cũng có thể tiêm phòng vắc-xin Covid như bình thường. Nếu bạn có cơ hội được tiêm vắc-xin Covid-19, tốt nhất nên tận dụng, không nên vì lý do mắc bệnh phụ khoa mà phải trì hoãn tiêm.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, nếu bệnh tình của bạn đang trong thời gian dùng thuốc kháng sinh thì bạn có thể đợi thêm một chút; uống hết đợt thuốc này rồi tiến hành tiêm cũng sẽ không muộn.

2. Người bị viêm gan B (hoặc viêm gan C) có nên tiêm phòng Covid-19?

Về câu hỏi này PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh (Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc Sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) trả lời:

“Người lớn thuộc bất kỳ độ tuổi nào có sẵn bệnh lý nền viêm gan B hoặc viêm gan C có thể thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng từ virus gây bệnh Covid-19, nhất là nếu bệnh không được kiểm soát tốt.

Về trường hợp những người bị viêm gan B hoặc viêm gan C có nên tiêm vắc-xin Covid-19 hay không, điều này còn phụ thuộc vào việc bạn có đang trong thời gian điều trị virus gây bệnh viêm gan B hay viêm gan C không.

Nếu như đang trong đợt điều trị cấp, viêm gan không ổn định thì sẽ không được tiêm vắc-xin ở đợt này. Còn với những người đã được điều trị viêm gan B; hoặc viêm gan C ổn định rồi, đã ngừng thuốc điều trị rồi; và chứng minh được đang “yên ổn” với những căn bệnh này thì hoàn toàn sẽ được tiêm.”

3. Tôi đang mang thai thì có tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được không?

Về câu hỏi này ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) đã có những chia sẻ giải đáp như sau:

Tiêm vắc-xin Covid -19 là công cụ hữu hiệu nhất để phòng bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện tại. Các nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng vắc-xin Covid-19 như Pfizer, Moderna an toàn trong quá trình mang thai.

Tiêm phòng Covid-19 được khuyến cáo cho nhóm phụ nữ mang thai trên 18 tuổi tại Anh nhưng không bắt buộc, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân. Mặc dù vậy vẫn cần có thêm nghiên cứu; và ở nước ta cần có sự đồng ý của Bộ Y tế. Trong hiện tại, ở nước ta, chị em phụ nữ đang mang thai chưa thuộc nhóm nên tiêm vắc-xin Covid-19.

đang mang thai thì có tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được không?
Hiện tại, ở Việt Nam phụ nữ đang mang thai chưa thuộc nhóm nên tiêm vắc-xin Covid-19.

Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, tôi có cần kiêng có thai hay không?

ThS.BS Nguyễn Ngọc Chiến trả lời: Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, nếu bạn đang mong có con thì cứ thực hiện kế hoạch có con bình thường; không cần kiêng có thai. Vì vắc-xin an toàn, không đi qua nhau vào thai. Vì vậy, nếu phát hiện ra mình có thai sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 và muốn giữ thai; bạn không cần phải đình chỉ thai kỳ; hãy thư giãn, sống thoải mái, tươi vui như bao mẹ bầu khác.

Nhóm đối tượng nào cần cẩn thận khi tiêm và không được tiêm vắc xin ngừa Covid-19?

Về câu hỏi này PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh chia sẻ:

  • Những người lớn tuổi cần cẩn thận khi tiêm vì họ thường mắc nhiều bệnh. Chỉ khi những bệnh của họ phải được điều trị ổn định; không đang trong giai đoạn cấp hay điều trị một bệnh lý nào khác… thì mới được cân nhắc xem xét đủ điều kiện tiêm được vaccine COVID hay chưa.
  • Những người mất năng lực hành vi, không tự kiểm soát được mình; chưa được tiêm COVID-19 bởi sau khi tiêm sẽ khó theo dõi.
  • Một số người khác chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19; bao gồm những người dị ứng nặng (dị ứng với thời tiết, thuốc, đồ ăn thức uống…); vì như vậy sẽ xảy ra những bất lợi.

Còn PGS. TS Hoàng Bùi Hải (Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện ĐH Y) cho biết:

  • Những người đầu tiên không nên tiêm vaccine COVID-19 là những người phản vệ với vaccine.
  • Những người đã phản vệ với mũi đầu tiên thì không nên tiêm mũi thứ 2.
  • Nếu dị ứng với thành phần nào đó của vaccine thì cũng không nên tiêm.
  • Hoặc một số người đã từng phản vệ nặng với một số thuốc; đặc biệt là thuốc tiêm nào đó thì cũng rất có thể bị như vậy với vaccine COVID-19.
  • Những người bị dị ứng khi ăn uống cũng có thể có nguy cơ nên cần hết sức thận trọng và không nên tiêm.

Trên đây là giải đáp của các chuyên gia về một số thắc mắc của chị em trước khi tiêm vắc-xin phòng covid-19. Bạn có thể tham gia nhóm giúp nhau vượt qua đại dịch để được chia sẻ nhiều hơn.