Các cụ đồ thưởng rượu, bình thơ, xem thời tiết ấy đều đã về với tiên tổ, trở về nơi vĩnh hằng… Chỉ còn lại cậu bé Việt cùng cha hầu rượu những đêm rằm xưa ấy; vẫn khắc khoải một nỗi nhớ khôn nguôi “Bao giờ trở lại ngày xưa ấy”...

Nhìn bác phó cả Nguyễn Đăng Việt, người (làng Lộ Bao – xã Nội Duệ – huyện Tiên Du – tỉnh Bắc Ninh); hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe máy nhãn hiệu PCX (loại xe mà dân đi phượt ưa chuộng) ai có thể nghĩ rằng bác đã gần 70 tuổi, thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Ngày ngày, bác đến với những công trình xây dựng từ Bắc Ninh đến Bắc Giang; rồi Hà Nội cho tới cả Phú Thọ… Nhiều bạn bè khuyên bác nghỉ thôi, có tuổi rồi! Bác cười vui: “khổ quen rồi, sướng không chịu được”!

Niềm vui xen lẫn hoài niệm

Niềm vui xây những công trình mới ấy được nhân lên mỗi ngày, khi có thêm, những nhà vườn; những ngôi biệt thự, và tu sửa những ngôi nhà cổ; cứ từng ngày, từng tháng, được bổ sung làm đẹp cho đời… Không chỉ có vậy, bác còn là một “lão nông” thực sự, khi kể về kinh nghiệm gieo trồng nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam suốt thế kỷ 20.

Trong bữa cơm trưa thân tình giữa chủ nhà với thợ (bác vừa hoàn thành ngôi nhà nhỏ cho chúng tôi xong); bác lại hoài cổ với câu chuyện về thú chơi tao nhã hồi nhỏ bác đã được chứng kiến; về thú thưởng rượu đêm rằm của các cụ đồ làng Lộ Bao ngày xưa ấy. “Ngày xưa ấy” theo lời kể của bác cứ lần lượt hiện lên, làng quê thanh bình, yên ả; nếp sống giản dị, thanh sạch bên bờ tre, bến nước, ao đình, cái gì cũng thanh sạch… chứ đâu như thời bây giờ! Cái gì cũng bẩn, đất, nước, không khí đều ô nhiễm…

ngày xưa ấy; ngày xưa ấy đâu rồi; ngày xưa có mẹ
Bác Nguyễn Đăng Việt con cụ đồ Nguyễn Đăng Thản, người làng Lộ Bao, Tiên Du, Bắc Ninh (ảnh: Thuý Mai / Mucwomen)

Những món ẩm thực thanh tao “Ngày xưa ấy”

“Ngày xưa ấy” cách đây hơn nửa thế kỷ, cậu bé Nguyễn Đăng Việt khoảng 13, 14 tuổi là con trai út trong gia đình cụ đồ có bốn người con. Cậu hợp với bố nhất nên nghề gì bố cũng truyền cho. Kể cả đánh bài bố cũng dạy cậu con trai út. Bố bảo: “cái gì con cũng phải biết, kẻo thiên hạ bắt nạt”. Có lúc cậu oán trách bố mình bắt mình học nhiều thứ quá; làm mình chẳng được đi chơi nhiều với các bạn cùng trang lứa! Đến tiếp rượu mấy cụ bạn thân, bố cũng chọn con trai út hầu rượu (chả là cậu bé sáng dạ, nói đến đâu nhớ đến đó – là niềm tự hào của cụ đồ Nguyễn Đăng Thản)

Đêm rằm tháng tám ấy, năm nào cũng thế, được chuẩn bị trước cả tháng chỉ có 3 món đơn giản nhưng lại khá cầu kỳ. Một rổ ốc nhồi béo núc ních, được bắt tại ven bờ, dưới những đám bèo tây, ở ao làng nước trong veo. Khi đem về rửa sạch, cho vào mấy chiếc giỏ treo lên gác bếp để “nuôi bồ hóng” (*). Cứ hàng tuần cho uống nước vo gạo khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ rồi lại treo lên gác bếp “nuôi bồ hóng”.

Đến chiều rằm tháng 8 bắt về một đôi vịt béo làm thịt. Lọc lấy phần thịt, băm hành khô, mộc nhĩ, nấm hương, ướp gia vị để sẵn đợi thịt ốc băm. Một chậu than hoa quạt đỏ, nướng cho ốc mở miệng; khêu ra băm trộn lẫn với món hỗn hợp thịt vịt gia vị trên rồi lại nhồi vào những vỏ ốc.

Không kém kỳ công

Món thứ hai là vịt xáo măng: Khi những cây măng tre vừa nhú khỏi mặt đất; trước rằm tháng 8 khoảng mươi, mười lăm ngày; lấy mấy cối đá hỏng trong nhà úp vào thế là nó cuộn tròn trong đó. Những cây măng tre tròn xoe, trắng nõn, mà lại khá mềm, chặt về, thái ra; luộc lên đem sáo với phần cổ cánh xương vịt, được một nồi xáo măng ngon tuyệt!

Còn món gỏi được chuẩn bị cũng chẳng kém công phu. Đó là những ngọn rau muống dài ở ao được bắt vào những ống nứa chặt rỗng một đầu. Sau 1 tuần, mươi ngày hái vào chiều hôm rằm, trắng nõn như ngó sen hái về rửa sạch, ngắt đoạn trần qua nước sôi; để làm nộm rau muống, chanh, lạc, ớt, tỏi.

Thế là ba món ăn dân dã chuẩn bị sẵn sàng cho đêm rằm đặc biệt trong năm này.

Anh tài tụ hội

Khi ánh trăng vừa nhô lên dưới hiên nhà, thì cũng là lúc các cụ đồ áo the khăn xếp lục tục kéo đến: Cụ đồ Tỉnh, cụ đồ Toán, cụ đồ Chu và thầy Ân; những bậc “kẻ sĩ” tài cao họp mặt thật khiêm nhường. Sau khi đến kính cẩn bái lạy trước bàn thờ, bái yết trời đất trước mâm cỗ Trung thu (rất đạm bạc có một ít hoa quả, bánh trái) rồi các cụ tọa trên một chiếc chiếu hoa đã trải ngay ngắn giữa sân.

Làng Lộ Bao là một trong những làng quan họ cổ của Bắc Ninh.

Chuẩn bị cho nghi lễ đặc biệt này, một chiếc bếp nhỏ đặt chảo mỡ đang sôi ở góc sân. Những con ốc nhồi thịt được chiên lên thơm ngon phưng phức; vớt ra nhâm nhi với những chén rượu hạt mít thơm hương lúa. Họ nhâm nhi rượu, thưởng thức rượu được chưng cất rất công phu bằng những đồ thủ công tự chế. Những chén rượu mà “sánh ra thời tiếc (**), uống vào thời say” ấy cùng mấy món ăn dân dã xong cũng thật cầu kỳ ấy đã làm nên bản sắc của các liền anh quan họ trong các làng quan họ cổ xưa.

Ngắm Trăng xem tiết khí trong năm

Quá nửa đêm về sáng mới là lúc chuyển đề tài chính của đêm rằm: “Ngắm Trăng xem thời tiết”:

“Muốn ăn lúa tháng 5 thì trông trăng rằm tháng tám
Muốn ăn lúa tháng 10 thì trông trăng mùng 10 tháng 4”

Nếu đêm hôm rằm tháng tám ấy mà Trăng mờ thì trời ấm; làm mạ dễ, nhưng năng suất lúa vụ chiêm thấp, thu được ít thóc.
“Thiếu tháng (***) 8 mất ngư (cá)
Thiếu tháng tư mất thóc”

Còn tối đó mà trăng tỏ thì báo hiệu vụ chiêm được mùa bội thu…

Tìm đâu cho thấy “Ngày xưa ấy”

Thời gian thấm thoát thoi đưa hơn 5 thập kỷ đã trôi qua, trải bao biến cố thăng trầm của lịch sử, của cuộc đời. Giờ đây những khách sạn, nhà hàng, mọc lên như nấm, những món ngon, đồ ăn nhanh; nhan nhản bày bán khắp nơi nhưng tìm đâu được món thịt vịt nhồi ốc; xáo măng ốp cối đá, nộm rau muống nuôi trong ống nứa…

Tìm đâu cho thấy “Ngày xưa ấy” bây giờ?…?…?
Hồn quê Việt vẫn phảng phất đâu đây!!!

Thượng tuần, tháng Nhâm Thìn, năm Tân Sửu
(đầu tháng 4, năm 2021)

(*) Nuôi bồ hóng: treo lên gác bếp để hong trên đó
(**) Sánh ra thời tiếc: Tràn ra, đổ ra thì tiếc…
(***) Thiếu tháng nghĩa là không đủ ngày

Cùng tác giả: