Đời là bể khổ, thống khổ nào cũng không hề dễ chịu. Con sóng cuộc đời không hề dễ dãi với bất cứ ai, đừng vội phán xét, đừng làm tổn thương người khác khi chưa biết rõ tình hình.

Có những người chẳng quen biết đối tượng mà họ phán xét, thậm chí cũng không hề có một người bạn chung nào cả. Ấy vậy, mà họ thản nhiên nhận xét, bình luận một cách đầy cảm xúc như thể họ rất rành rọt về cuộc sống của người ta vậy.

Thậm chí còn buông lời bất hảo mà chẳng mảy may bận tâm những gì họ đang nói, đang làm là đúng hay sai, là nên hay không nên và có đáng hay không?

Chúng ta thường chỉ chú trọng cảm xúc của bản thân, mà quên rằng người khác cũng cần sự quan tâm và chia sẻ… Con người ai mà chẳng có những thăng trầm, những cung bậc cảm xúc, trong cuộc sống đầy thị phi, toan tính.

Đôi khi thấy một người hay cười, lại nghĩ rằng người ấy quá vô tư, chẳng biết “tổn thương”. Thấy một người im lặng, trước những bôi nhọ vu khống liền nghĩ rằng: quả là ngu ngốc, hèn nhát và nhu nhược. Thấy một người dễ dàng chấp nhận tha thứ cho những tổn thương mà người khác gây ra lại cho là quá ngốc nghếch, nông cạn…

Đừng vội phán xét khi chưa biết rõ nội tình...STT nói Về người khác; Danh ngôn về cách nhìn người.
Cuộc đời mỗi người đều có thăng trầm hỷ nộ, nhìn bề ngoài không bao giờ biết được họ đã trải qua những gì. (Ảnh: Pixabay)

Ngừng phán xét để thấu hiểu

Từng trải là những gì mà thời gian và sóng gió của cuộc đời để lại; phản ánh ra bên ngoài có lẽ chỉ là một chút mà thôi.

Hay cười, có thể là người từng trải qua nhiều sóng gió và biến cố; với họ đau khổ đâu cần phải than vãn. Đau khổ, cũng không nhất thiết phải dùng nước mắt để nói rõ với thế nhân rằng họ đang thống khổ như thế nào. Giông tố trùng trùng, mỉm cười mọi việc đều qua… Có thể mỉm cười sau tất cả những đau khổ, thăng trầm ấy thì không phải ai cũng làm được.

Im lặng trước những lời đàm tiếu, vu khống sai sự thật, chưa chắc là hèn nhát, sợ hãi, hay chấp nhận. Họ lựa chọn im lặng, vì không thấy có lý do gì phải nhảy xuống hố bùn để vật lộn với những kẻ muốn kéo họ xuống bùn.

Để dễ dàng tha thứ có thể họ đã hiểu rằng cuộc đời này có ai mà không phạm sai lầm; và tất nhiên ai cũng cần được tha thứ. Những người cứ hay chửi đời, chửi người, chửi thiên hạ; kỳ thực nạn nhân của “khẩu nghiệp ấy” thường chính là bản thân mình.

Người phán xét muốn biểu đạt điều gì?

Nói xấu không làm cho chúng ta tốt đẹp hơn lên; mà chỉ thể hiện một điều, sự bất mãn trong tâm.

Chúng ta đâu biết rằng trong sóng gió cuộc đời người ta đã khổ sở như thế nào; không trong cảnh sao biết được nội tình, vì vậy đừng tùy tiện buông lời tổn thương.

Xưa có câu: “thức khuya mới biết đêm dài”, để thấu hiểu một người; đôi khi phải mất thời gian rất lâu… Mấy câu tuyên truyền bôi nhọ, vài dòng nhận xét trên mạng xã hội có thể xuyên tạc sự thật, bóp méo nhân cách… quả là đáng sợ.

Đừng vội phán xét khi chưa biết rõ nội tình...Stt nói về cách nhìn người; Suy nghĩ về vấn đề phán xét người khác.
Chúng ta có từng trải qua khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. (Ảnh: Internet)

Con người mãi khổ, vì cứ chấp vào những gì mình muốn; muốn có cuộc đời yên bình trong khi không ngừng “góp gió thành bão”; chỉ muốn được chẳng muốn mất, muốn người khác tốt với mình trong khi bản thân lại đầy gai góc…

Mối quan hệ giữa phán xét và đấu tranh

Ngôn ngữ phán xét (tranh đấu) hại người ta nhiều lắm. Nhiều người nghĩ rằng lịch sử đấu tranh đã là quá khứ bàn tới làm chi. Nhưng quá trình mà đứa trẻ học nói chính là quá trình học cách sử dụng ngôn từ; cũng là quá trình học một phương thức tư duy. Phương thức tư duy của con người một khi đã hình thành thì rất khó thay đổi.

Trong môi trường tranh đấu cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội đã tạo nên định hình cho thế hệ trẻ. Trẻ con ngày nay từ nhỏ đã học coi trọng sự giàu sang; coi thường người không thành đạt, tâm lý ganh ghét mạnh mẽ, đều là biểu hiện của tâm lý đấu tranh. Suy nghĩ kỹ một chút chúng ta sẽ phát hiện ra rằng; “ý thức đấu tranh trong ngôn ngữ” được nuôi dưỡng bằng giả thuyết: “Đấu tranh là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội”.

Cuộc sống vốn dĩ không phải màu hồng, có người tốt có người không tốt; có người thích yên tĩnh, và quả thật cũng có người thích gây sóng gió, thị phi… Làm gì thì làm chẳng nên làm tổn thương người khác bởi Nhân Quả nhãn tiền. Ai nói những gì, làm những gì thì khi đáo hạn (hạn tới) đều phải chịu trách nhiệm – Thiên Lý công bình!

Ngừng phán xét để sống thanh thản

Sự phán xét dựa trên thế giới quan và chi phối cảm quan, hành động; những điều có thể, không thể…Nó chi phối mọi hành động, suy nghĩ, cảm xúc mà ta trải nghiệm. Vì vậy ngừng phán xét là điều kiện then chốt để thành công.

Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong tư duy có thể thay đổi số phận. Hãy ngừng phán xét, một chút xíu thay đổi và bạn sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh; những người tốt lẫn xấu cũng như bởi những chuyện tốt lẫn xấu xảy ra.

Ngừng phán xét thì tốt hay xấu có gì đáng bận tâm đây. Chỉ khi chúng ta phán xét thì hiện tượng mới trở thành tốt hay tệ, xinh hay xấu. Trẻ con là hư khi ta không thích hành động của chúng. Cuộc sống tồi tệ khi ta cho là nó tồi tệ. Kể cả những thảm kịch kinh hoàng khi ngừng phán xét thì rồi… cũng chỉ là những sự việc đã xảy ra…

Những câu nói hay về phán xét người khác; Danh ngôn về phán xét người khác; Những câu nói hay về đánh giá con người.
Học cách sống với hiện tại, chấp nhận cuộc sống như nó vốn có; và ta sẽ không phải thất vọng hay buồn phiền nữa (Ảnh: Pixabay)

Đừng vội phán xét hãy nhìn vào cả một quá trình

Một người bạn phương Nam của Khổng Dung có 4 người con trai. Một ngày đông, ông gọi người con cả tới giao một phong thư mang tới nguyên thái thú Bắc Hải – Khổng Dung.
Sang xuân ông viết một lá thư khác để người con thứ 2 mang tới cho Khổng Dung. Hè tới ông lại sai người con thứ 3 đưa thư tới Khổng Dung. Thu đến tới người con út đưa thư.

Tất niên, người cha gọi cả 4 người con trai đến và hỏi: “Hãy kể cho cha nghe Khổng thái thú đã tiếp đãi các con như thế nào”.
Cả 4 người ca ngợi phong thái của Khổng thái thú và đều thấm thía điển cố “Khổng Dung nhường lê”.
Người cha liền hỏi vậy cái cây lê đó trông thế nào? Giống cây gì ở phương Nam chúng ta?

Người con thứ nhất nói rằng cái cây ấy trần trụi, xấu xí, cong queo…
Người thứ hai thì kể: “Con thấy thân cây đầy những chồi non xanh mởn, ngập tràn sức sống…”
Người con thứ ba tiếp lời “Có hoa nữa kìa, hoa thơm ngát, đó là thứ đẹp nhất con từng thấy…”
Người con út cao hứng khoe: “Con đã nhìn thấy những chùm quả chín mọng trên cây…”

Người cha nhẹ nhàng kết luận: “Đừng vội phán xét một cái cây khi chỉ nhìn thấy nó trong một mùa.”

Đôi lời về tác giả:

Nhật Quan là một người thích sống chậm, hay lắng nghe âm thanh cuộc sống sau những lúc vật vã với công việc tất bật, muốn tìm ý nghĩa chân thực của một kiếp nhân sinh.

Nhật Quan luôn tin vào câu nói: Thiện ác luôn có báo ứng, rằng từ xưa đến nay nhân quả không bỏ sót một ai.

Điều ấy luôn được thể hiện trong từng bài viết của tác giả:…………