Cuộc sống hôn nhân, dù hạnh phúc đến đâu thì vẫn có lúc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Vậy làm thế nào để giảm thiểu tổn thương sau những mâu thuẫn ấy?

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cuộc sống vợ chồng không có tranh luận cũng dẫn đến sự nhàm chán. Nhưng nếu chuyển từ tranh luận thành tranh cãi thắng thua thì vấn đề đã nghiêm trọng hơn rồi. Vậy nên mới nói cuộc sống vợ chồng là một nghệ thuật và tất cả chúng ta đều là nghệ sĩ. Nhưng không phải ai cũng hoàn thành và có những tác phẩm để đời của riêng mình.

Nguyên nhân tranh luận dẫn đến việc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn

1. Xung đột từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày

Vợ không đảm đang, chồng không giúp đỡ, con cái bướng bỉnh là những vấn đề luôn khiến hai vợ chồng tốn nhiều tâm sức; đôi khi còn tốn nhiều năng lượng để bàn cãi. Dù đối phương không có ý chê trách hay chỉ trích nhưng bản thân lại luôn xem tất cả những lời nói đó như muốn đả kích mình và khiến mình khó chịu. Sau đó, chuyện gì xảy ra sẽ phải xảy ra, vợ chồng cãi vã.

Nguyên nhân tranh luận dẫn đến việc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn
Đôi khi vợ chồng tranh luận dẫn đến bất hòa chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày.

2. Vợ chồng xảy ra mâu thuẫn vì “giận cá chém thớt”

Dù là vợ hay chồng đều có những áp lực trong cuộc sống và công việc. Đã có rất nhiều trường hợp, vợ hoặc chồng phải chịu những bức xúc, không hài lòng tại công ty, nơi làm việc. Sau khi trở về nhà thì tỏ ra khó chịu, gắt gỏng với mọi người trong gia đình; mà không nhận ra sự vô lý của chính mình. Bởi vậy xưa nay mới có câu “chúng ta dễ nổi nóng với người thân nhưng lại bao dung với người lạ”.

3. Mâu thuẫn chỉ vì “tin người ngoài hơn tin người thân”

Đôi khi chúng ta thường tin bất cứ điều gì từ bạn bè và những người xung quanh. Nếu lời dễ nghe thuận tai thì thích thú, nếu không thì về nhà hằn học. Về đến nhà, chợt nhớ lại những lời nói đó; và bỗng thấy khó chịu với người bạn đời của mình. Sau đó chỉ thấy những thiếu sót từ phía đối phương; rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, mâu thuẫn lại bắt đầu xảy ra. Thực tế, vợ chồng mâu thuẫn chỉ vì nghe lời người ngoài.

Mâu thuẫn chỉ vì "tin người ngoài hơn tin người thân"
Cuộc sống vợ chồng được ví như một quả cầu pha lê; nếu bạn không nâng đỡ, sẽ có ngày nó vỡ ra thành trăm mảnh khó hàn gắn như xưa.

“Nguyên tắc vàng” để cả hai cùng thắng khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn

Cuộc sống vợ chồng được ví như một quả cầu pha lê; nếu bạn không nâng đỡ, sẽ có ngày nó vỡ ra thành trăm mảnh khó hàn gắn như xưa. Các mối quan hệ giữa gia đình, vợ chồng, bạn bè, công việc… không có mối quan hệ nào là bình yên vĩnh viễn.

Sương gió mới làm cho cây cối cứng cáp, giông tố cuộc đời cho ta những trải nghiệm mới để làm người. Giữa những xung đột, cách giải quyết xung đột hợp lý sẽ giúp duy trì tình yêu thương; và bảo vệ sợi dây liên kết vô giá giữa con người với nhau. 5 “nguyên tắc vàng” dưới đây sẽ là chìa khóa giúp hóa giải mâu thuẫn cho mọi mối quan hệ trong cuộc sống; nhất là chuyện vợ chồng.

1. Lắng nghe từ cả hai phía

Xung đột thường xảy ra do bất đồng quan điểm sống, cách làm việc hoặc khác biệt về văn hóa, vùng miền, độ tuổi, giới tính. Kiềm chế cảm xúc và lắng nghe nhau sẽ khiến bạn nhìn ra những góc tối của câu chuyện. Bạn sẽ phát hiện ra, vấn đề có thể không phải như những gì mình nghĩ, những gì nhìn thấy có thể chỉ là một cái vòi, một cái chân chứ không phải cả con voi.

Để đạt được sự rõ ràng trong hòa bình, hãy bình tĩnh khi bạn lắng nghe nhau. Không ngắt lời, không vội vàng bắt bẻ. Nói với đối phương về những gì đã thực sự xảy ra và cảm nhận của bạn về sự kiện này. Đừng cố gắng điều khiển câu chuyện theo cách có ý nghĩa đối với phản ứng cảm xúc của bạn; và đừng coi thường hoặc cho rằng người kia đang bao biện. Hãy nhớ rằng thiện chí và trung thực là hai yếu tố then chốt để tìm ra gốc rễ của vấn đề và có cách giải quyết xung đột hợp lý.

"Nguyên tắc vàng" để cả hai cùng thắng khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn
Kiềm chế cảm xúc và lắng nghe nhau sẽ khiến bạn nhìn ra những góc tối của câu chuyện.

Những bất đồng luôn xảy ra trong cuộc sống, nhưng nó sẽ không bao giờ trở thành bi kịch nếu bạn biết cách giải quyết xung đột bằng sự thấu hiểu.

2. Thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm

Chúng ta thường có xu hướng né tránh việc xin lỗi, đặc biệt là với những người thân thiết nhất. Khi một phần tình cảm bị tổn thương do xung đột, ai cũng muốn được nâng niu và an ủi. Thái độ hối lỗi và lời xin lỗi lúc này là bước đầu tiên để chuộc lỗi, hàn gắn những rạn nứt trong các mối quan hệ; là cái cớ để chúng ta bày tỏ sự hối hận và xoa dịu cảm xúc. Đặc biệt, mối quan hệ càng thân thiết thì càng phải thể hiện sự tôn trọng.

Thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm
Thái độ hối lỗi và lời xin lỗi là bước đầu tiên để chuộc lỗi, hàn gắn những rạn nứt giữa vợ và chồng.

Chủ động thừa nhận sai lầm và chịu trách nhiệm là cách gián tiếp giúp người kia nhìn ra những khuyết điểm của họ. Bởi mâu thuẫn luôn xuất phát từ lỗi lầm của cả hai bên. Sau lời xin lỗi, hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề và đừng để những sai lầm lặp lại lần nữa; khi đó bạn sẽ mệt mỏi hơn trong việc giải quyết mâu thuẫn.

3. Đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và chia sẻ

Xung đột luôn xuất phát từ sự khác biệt do hành vi, hoàn cảnh, văn hóa và suy nghĩ. Quá trình phát triển và trưởng thành của mỗi người là khác nhau; chúng ta có một hoàn cảnh sống khác nhau; ở độ tuổi và giới tính khác nhau nên cũng có những “nỗi khổ” riêng.

Đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu và chia sẻ
Hãy nhìn vào hoàn cảnh của nhau để tìm ra lời giải thích hợp lý cho những hành động tưởng chừng như vô lý.

Đằng sau thái độ gắt gỏng của sếp có thể là một đêm làm việc đến sáng; sự giận dỗi vô cớ của chồng có thể do áp lực công việc quá nhiều; vợ khó chịu gắt gỏng có thể do tâm lý bất ổn sau khi sinh con… Hãy nhìn vào hoàn cảnh của họ để tìm ra lời giải thích hợp lý cho những hành động tưởng chừng như vô lý ấy. Từ đó bạn sẽ có sự đồng cảm và giải quyết mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng, nhân văn hơn.

4. Không hành động trong lúc đang nóng giận

“Tức nước vỡ bờ” trong những cuộc cãi vã đều do những kẻ “giận quá mất khôn” gây ra. Vì vậy, khi cơn giận dữ đang ngự trị trong tâm hồn bạn thì lời nói thốt ra trong cơn tức giận có thể làm tổn thương trái tim của người khác. Những hành động được thực hiện trong cơn nóng giận có thể trở thành tội ác. Khi cơn tức giận lên đến đỉnh điểm, hãy tự cô lập mình khỏi cuộc tranh cãi, tìm một nơi yên tĩnh để bình tĩnh lại trước khi chuyển sang hành động tiếp theo.

5. Hàn gắn “vết thương” sau những tranh cãi

Sau một cuộc tranh cãi, đâu đó là sự tổn thất, tổn thương về tình cảm. Chúng ta sẽ không từ bỏ nhau chỉ vì hai ba lần cãi vã. Sau những mâu thuẫn, chúng ta sẽ hiểu và trân trọng nhau hơn. Hãy cố gắng hàn gắn những tổn thương bằng những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ yêu thương. Hãy hành động để thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã dạy chúng ta những bài học sâu sắc; và cùng chúng ta trưởng thành về mặt nhận thức và tình cảm.

5 "nguyên tắc vàng" để cả 2 cùng thắng khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn
Sau những mâu thuẫn, cả vợ và chồng đều sẽ hiểu và trân trọng nhau hơn (ảnh chụp màn hình internet).

Đừng cố thắng trong một cuộc tranh cãi chỉ để rồi đánh mất hôn nhân. Những bất đồng xảy ra trong cuộc sống như một thứ gia vị giúp bạn nếm trải những bài học; một cái cớ để hiểu nhau và củng cố một mối quan hệ bền chặt.

Trên đây chính là 5 “Nguyên tắc vàng” để cả 2 cùng thắng khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Hãy nhớ rằng để lại đường lui cho người khác cũng chính là để lại đường lui cho chính mình.