Trẻ con luôn cảm thấy an toàn khi có cha mẹ bên cạnh. Việc thường xuyên đón con muộn, để trẻ chờ đợi sau giờ tan trường, sẽ khiến cho trẻ luôn có cảm giác lo lắng và bất an.

Giờ tan trường của bậc mầm non và tiểu học vào khoảng 4h -5h chiều; trong khi đó, giờ tan sở của các ông bố, bà mẹ lại vào khoảng 5h – 7h tối. Vào thời điểm đó, nhiều phụ huynh vẫn còn trăm công, nghìn việc và chưa thể đến trường đón con. Vì vậy, việc đón con muộn đối với những gia đình này thường xảy ra “như cơm bữa”.

Câu chuyện của người mẹ thường xuyên đón con muộn

Tôi cũng luôn rơi vào trường hợp đón con muộn. Vì đặc thù công việc, thường phải gặp khách hàng sau giờ hành chính; nên việc cậu con trai mới vào lớp 1 của tôi phải đợi mẹ sau giờ tan trường là chuyện thường xuyên. Trường bé tan học lúc 4h30, trong khi công việc hoàn thành của tôi sớm nhất cũng phải là 5h. Vì thế, ngay khi kết thúc công việc, tôi lao đến trường đón con; tuy nhiên, sân trường lúc này thường cũng chỉ còn có mình con.

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng của người mẹ và người con, thể hiện sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc, dưỡng dục..
Chỉ khi ở trong vòng tay cha mẹ, trẻ mới cảm thấy bình an và hạnh phúc! (Ảnh: Pexels.com)

Rất nhiều lần đến đón con, nhìn con thơ thẩn chơi một mình vì các bạn đã về hết. Nghe mẹ gọi, lần nào con cũng gần như òa lên và chạy thật nhanh ra ôm mẹ. Một hôm con thủ thỉ: “Mẹ ơi, sao mẹ không thể đón con sớm như các bạn?”; tôi ôm con trả lời vì mẹ bận công việc, nhà mình lại không có ông bà nội ngoại ở gần để giúp đỡ.

Hoàn cảnh của tôi cũng không phải duy nhất; nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi cũng rơi vào tình trạng như vậy. Nhiều lúc cô giáo của bé, nhìn hai mẹ con tôi mà ái ngại; cô nhiều lần chia sẻ rằng, tôi nên đến đón con đúng giờ, để tránh cho bé có tâm lý lo lắng, bất an.

Việc thường xuyên đón con muộn, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của trẻ

Theo một khảo sát của nhà nghiên cứu người Anh; những đứa trẻ thường được đưa đón sớm khi lớn sẽ tự tin hơn; còn những đứa trẻ bị đón muộn, có xu hướng nhạy cảm hơn. Tính cách này có thể sẽ không bộc lộ ngay; nhưng sau nhiều năm, nó sẽ dần hiện hữu trong trẻ. Bởi mẫu giáo và tiểu học, là hai môi trường tiếp theo sau gia đình mà trẻ được tiếp xúc trong quãng thời gian dài; khi ấy, trẻ con cũng chưa có nhiều suy nghĩ cho cha mẹ mà chỉ nêu lên cảm xúc của mình.

Thường xuyên đón con muộn sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy lo lắng và bất an.
Niềm mong mỏi cha mẹ đến đón sau mỗi giờ tan học (Ảnh: Pixabay)

Trên thực tế, dù bé có thực sự yêu thích bạn bè và thầy cô; nhưng khi kết thúc buổi học, ánh mắt của trẻ chỉ trông chờ được bố mẹ đến đón. Khi bị đón muộn thường xuyên sẽ khiến bé cảm thấy tủi thân vì bạn được về trước; lâu dần dễ có cảm giác là bố mẹ không thương mình. Nỗi tủi thân, lạc lõng này khó mà bù đắp bằng một đồ chơi hay món ăn được. Thậm chí, lâu dần, nó có thể dẫn đến nỗi thất vọng trong trẻ.

Việc đón đúng giờ rất quan trọng với trẻ

Trẻ càng nhỏ, lại càng phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng luôn xem cha mẹ là gương mặt thân quen nhất trong độ tuổi này. Vì thế, việc đón đúng giờ rất quan trọng với trẻ; là vì, sau một ngày học ở trường, các con rất nhớ cha mẹ.Cha mẹ là người gần gũi nhất, người mang lại cảm giác an toàn cho chúng. Nếu cha mẹ đến đón con muộn, trường học thưa dần, trẻ ở lại một mình sẽ khiến trẻ thiếu đi cảm giác an toàn và lo lắng.

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống,[1] quan hệ nuôi dưỡng và/hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và những tác động mạnh mẽ đến xã hội.
Cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái noi theo. (Ảnh: Pexels.com)

Thực tế, đến độ tuổi mẫu giáo, tiểu học; nhiều bé vẫn không thích đi học và muốn ở nhà với ông bà, cha mẹ. Nhiều cha mẹ thường an ủi con mình và nói với chúng rằng: “Con đi học ngoan nhé, bố mẹ sẽ đến đón con sớm!”; và trẻ luôn hi vọng bố mẹ sẽ giữ lời hứa với mình. Nếu cha mẹ liên tục đón con muộn, nghĩa là luôn không giữ đúng lời hứa; trong mắt trẻ lúc này, lời hứa là cái không cần thiết phải làm; và điều này sẽ ảnh hưởng đến hành động sau này của trẻ.

Khi thấy các bạn được bố mẹ đón và ra về trước, trẻ sẽ so sánh vì sao các bạn được bố mẹ đón sớm, còn mình thì không. Lúc này, sự nhạy cảm dễ khiến trẻ suy nghĩ rằng bố mẹ không còn thương mình nữa.

Tất cả cha mẹ đều mong con mình lớn lên luôn tự tin và mạnh mẽ. Vì vậy, dù có bận rộn, cha mẹ hãy cố gắng đón con đúng giờ; để trẻ luôn cảm thấy bình yên và hạnh phúc khi có cha mẹ ở bên.