Cuộc sống hiện đại, nhiều người có thói quen thường xuyên thức khuya (đặc biệt là giới trẻ). Mặc dù mọi người đều ý thức được đây là thói quen không tốt cho sức khỏe song không phải ai cũng biết những ảnh hưởng của việc thức quá muộn gây nguy hại tới cơ thể như thế nào.

Thời gian ngủ ban đêm chính là lúc để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi lại sức khỏe; và cân bằng các yếu tố trong cơ thể sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng vì công việc hoặc một thói quen nào đó, mà bạn thường xuyên thức đêm và ngủ không đủ giấc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thói quen ngủ muộn, thức đêm có thể thúc đẩy cơ thể tăng cường hoạt động trao đổi chất; gây căng thẳng não bộ. Từ đó, làm tăng sinh vô số gốc tự do, khiến tình trạng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn. Về lâu dài, nếu không được khắc phục, mất ngủ sẽ chuyển thành mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần sức khỏe và nhan sắc của bạn.

Thức khuya gây hại tới sức khỏe như thế nào?

Thức khuya gây đau đầu và suy giảm trí nhớ

Bạn có biết, thời gian ngủ là lúc bộ não được nghỉ ngơi; và ghi nhớ lại những hoạt động, sự kiện đã diễn ra trong ngày. Nhưng nếu chúng ta thức khuya, sẽ làm tăng lượng thông tin cần ghi nhớ; trong khi giảm thời gian nghỉ ngơi của bộ não.

Thói quen thường xuyên thức khuya gây tổn hại cho bộ não; dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như tâm trạng hay bồn chồn lo lắng, mất ngủ mãn tính, suy giảm trí nhớ...
Và theo thống kê, những người có thói quen hay thức muộn bị suy giảm trí nhớ cao gấp 5 lần so với người đi ngủ sớm.(ảnh : Pexels)

Khi thức muộn hoặc ngủ quá ít, không đủ thời gian cho bộ não nghỉ ngơi sẽ khiến bạn dễ bị đau đầu vào ngày hôm sau. Nếu thường xuyên thức muộn, sẽ khiến bạn bị rối loạn tâm thần như: mất ngủ, hay quên; tâm trạng bồn chồn, lo âu, dễ cáu gắt, căng thẳng,…

Vậy nên, bạn nhớ ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe; giảm nguy cơ đau đầu, mệt mỏi; và nhất là các biểu hiện của suy giảm trí nhớ.

Ảnh hưởng tới hệ miễn dịch

Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, khiến bạn luôn mệt mỏi; và làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm sút. Bạn có biết, từ 12h đêm đến 4 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra những hormone cần thiết cho việc duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể.

Việc thức đêm thường xuyên, sẽ khiến cho những hormone này bị thiếu; hoặc bị ngắt hẳn (nếu như bạn thức thâu đêm). Vì vậy, những người thức muộn thường xuyên dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp… hơn so với người ngủ đủ giấc.

Gây rối loạn nội tiết

Trong thời gian ngủ, cơ thể bài tiết ra một loại hormone cân bằng giúp cơ thể tránh rơi vào trạng thái rối loạn nội tiết. Những người thường xuyên thức muộn hay ngủ không đủ giấc sẽ làm cho hormone này bị thiếu hụt hay mất cân bằng.

Đau bụng kỳ kinh nguyệt là một trong những nỗi lo sợ của chị em phụ nữ khi đến tháng.
Thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ có liên quan đến việc thường xuyên thức đêm; từ đó gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe. (ảnh: Pexels)

Với những chị em phụ nữ thường xuyên thức muộn sẽ gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt; tăng nguy cơ bị u xơ tử cung…

Gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa

Trong khi ngủ vào ban đêm, các tế bào niêm mạc dạ dày có thể tự tái tạo và hồi phục. Việc thức khuya khiến cho các tế bào này không được nghỉ ngơi và dẫn đến suy yếu. Hơn thế nữa, thức muộn khiến cho dịch dạ dày tiết ra nhiều; dẫn đến ăn mòn dạ dày và gây ra tình trạng viêm loét dạ dày.

Nếu tình trạng này kéo dài, thì bênh sẽ càng nặng hơn. Nếu thức đêm để làm việc căng thẳng; hay xem chương trình có tính chất kích thích, hồi hộp; cũng sẽ làm cho tình trạng bệnh lý dạ dày tá tràng nặng hơn.

Thức khuya làm giảm thị lực

Ban đêm là lúc mắt cần được nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc. Khi bạn thức đêm, mắt sẽ phải tiếp tục làm việc; cộng với điều kiện không đủ ánh sáng, lâu dần thị lực sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu bạn thức muộn và làm việc cùng các thiết bị điện tử như: máy tính, điện thoại; đòi hỏi mắt phải điều tiết và tiết ra các chất lỏng bôi trơn.

Càng nhìn trong thời gian dài và trong điều kiện ánh sáng không đáp ứng đủ; sẽ khiến mắt càng phải tiết nhiều chất lỏng bôi trơn hơn; đây chính là nguyên nhân khiến mắt bạn bị khô và nhức mỏi, thâm quầng mắt, cận thị, loạn thị…

Khi thức khuya làm việc tập trung với các thiết bị điện tử, hay quá chăm chú vào đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo; sẽ khiến mắt bạn bị tổn thương nghiêm trọng.
Hiện nay, căn bệnh thoái hóa điểm vàng đang dần trẻ hóa; và nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy ánh sáng xanh là một tác nhân thúc đẩy bệnh phát triển sớm.(ảnh: Pexels)

Khi bạn làm việc ban đêm với màn hình máy tính hay điện thoại; thì ánh sáng từ màn hình các thiết bị này được gọi là ánh sáng xanh. Mắt bạn sẽ tập trung vào lượng ánh sáng này nhiều hơn. Ánh sáng xanh là ánh sáng có năng lượng lớn nhất trong các loại ánh sáng nhìn thấy được. Chúng có thể đâm xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu đến đáy mắt và gây tổn thương võng mạc.

Tổn thương do ánh sáng xanh gây ra là những tổn thương vĩnh viễn; và sẽ tích lũy dần theo thời gian, cuối cùng có thể gây các bệnh mắt; đặc biệt hay gặp nhất là bệnh thoái hóa điểm vàng – một nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa.

Thức khuya ảnh hưởng tới thẩm mỹ như thế nào?

Thói quen thức muộn, ngủ không đủ thời gian không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến làn da của bạn. Đặc biệt đối với chị em phụ nữ, thói quen này chính là “kẻ thù” của nhan sắc.

Gây ra quầng thâm và nếp nhăn quanh mắt

Mỗi lần đi ngủ muộn, ngủ không đủ giấc sẽ khiến vùng da quanh mắt bị mệt mỏi, căng thẳng; dẫn đến tình trạng máu bên dưới phần da mắt không được lưu thông tốt và khó hấp thụ oxy. Điều này khiến cho da không được cung cấp đủ dưỡng chất; dễ hình thành nên vùng da thâm quầng ngay dưới mắt; lâu dần vùng da này mất đi độ đàn hồi, gây chảy xệ và nhăn nhúm.

Sạm nám và đen da

Mọi người thường nghĩ chỉ có ra nắng mới gây đen da. Thế nhưng thực tế, việc thức khuya còn khiến da bạn ngày một kém sắc, tối màu và đen sạm đi trông thấy. Bởi sắc tố melanin – yếu tố chính gây đen da, có xu hướng phát triển cực nhanh trong quá trình thức đêm.

Sạm da, quần thâm mắt xuất hiện khi  bạn không ngủ đủ giấc và thường xuyên thức muộn.
Nếu không muốn làn da xuống cấp trầm trọng, chị em nhớ đừng thức đêm nhé. (ảnh: Pexels)

Đây là lý do tại sao, chị em chỉ cần một đêm không ngủ là đã có thể cảm nhận được làn da mình xuống sắc khủng khiếp thế nào rồi.

Thức khuya khiến cho làn da khô và sần sùi

Việc bạn thường xuyên thức khuya không chỉ khiến làn da bị mất cân bằng độ ẩm; mà còn khiến cơ thể mất đi một lượng nước đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến cho da bạn ngày càng trở nên khô sạm, nứt nẻ, sần sùi và bong tróc; gây mất thẩm mỹ. Vì thế khiến cho da dễ bị tổn thương hơn do các tác nhân từ môi trường bên ngoài; lâu dần sẽ khiến da hư tổn, lão hóa nhanh và khó phục hồi lại được.

Nổi mụn nhiều

Nổi mụn nhiều là một trong những tác hại dễ thấy nhất cho làn da khi bạn thức muộn thường xuyên. Nguyên nhân là bởi khi thức đêm nội tiết tố trong cơ thể sẽ bị rối loạn, khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều chất cortisol hơn.

Mụn xuất hiện trên làn da không chỉ khiến mất đi thẩm mỹ mà còn khiến bạn thiếu tự tin khi giao tiếp.
Mụn rất thích người hay thức đêm đấy chị em ạ! (ảnh minh: Pixabay)

Chất này có tác động không tốt cho làn da; dễ khiến da bị nhờn bí, gây bít lỗ chân lông và gây ra mụn trứng cá khắp khuôn mặt.

Thức khuya khiến bạn già đi nhanh chóng

Ban đêm là thời gian lý tưởng để làn da được nghỉ ngơi, tái tạo và phục hồi. Do đó, việc thức đêm, ngủ muộn của bạn đã vô tình làm mất đi khoảng thời gian quý báu để da được tái sinh. Điều này khiến làn da nhanh chóng trở nên già cỗi theo năm tháng.

Nhất là việc ngủ quá muộn còn làm rối loạn hoạt động điều tiết tế bào của da, làm tăng nhanh quá trình lão hóa; khiến làn da nhanh chảy xệ, thiếu độ đàn hồi; xuất hiện nhiều nếp nhăn, … Nếu tình trạng này kéo dài, làn da của bạn sẽ xuống cấp trầm trọng và khó phục hồi lại được.

Nếu buộc phải thức khuya thì bạn nên làm gì?

Các chuyên gia về sức khỏe và sắc đẹp đều khuyên bạn nên đi ngủ trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng là tốt nhất. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi và còn rất có lợi cho việc tái tạo da.

Nhưng nếu vì lý do nào đó; hay vì đặc thù công việc mà bạn buộc phải lặp lại thói quen không tốt này thì bạn nên:

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Dù với mục đích gì mà buộc phải thức đêm, bạn cũng cần phải đảm bảo phải ngủ được ít nhất 4 – 5 tiếng mỗi ngày. Và trong 4 tiếng này, đó chắc chắn phải là 1 giấc ngủ liền mạch, giấc ngủ sâu, không đứt đoạn, mộng mị.

Uống đủ nước mỗi ngày

Cơ thể chúng ta 70% là nước; và khi nhu cầu nước không được đáp ứng, cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Khi làm việc muộn hay thức đêm cơ thể sẽ mất nước nhanh chóng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bạn suy sụp tinh thần, mệt mỏi, thiếu tỉnh táo.

Nước là nhu cầu thiết yếu cho các hoạt động của cơ thể. Ngoài ra nó còn giúp làn da bạn luôn sáng mịn và một tinh thần thoải mái.
Uống nước khi bụng trống rỗng có thể làm tăng tỷ lệ trao đổi chất ít nhất 24% đấy! (ảnh: Pexels)

Thế nên, bạn hãy chăm chỉ bổ sung nước cho cơ thể để da dẻ không những đỡ khô ráp vì thức đêm mà tinh thần cũng đỡ uể oải hơn nhiều.

Tập thể dục nhẹ nhàng

Khi làm việc ban đêm, thỉnh thoảng bạn nên đứng lên, đi lại trong phòng vài phút, (bạn có thể lấy 1 cốc nước, hoặc vươn vai), hít thở sâu… Những hoạt động này giúp máu, bạch cầu lưu thông tốt hơn, làm giảm stress, cũng là để thư giãn cho mắt, cột sống của bạn.

Bổ sung những thực phẩm lành mạnh

Lời khuyên của các chuyên gia, nếu bạn phải thức đêm làm việc – bạn hãy dùng bữa tối trước 8h tối. Từ nửa đêm trở đi, nếu thấy đói, hãy dùng các bữa ăn nhẹ nhiều chất xơ và protein như trái cây nhẹ nhàng. Tránh tuyệt đối những món ăn nhiều đường, giàu chất béo.

Bổ sung cá vào khẩu phần ăn, đặc biệt là cá giàu axit béo omega-3; vì đây là nguồn protein dồi dào, tốt cho sức khỏe não bộ khi phai làm việc ban đêm.
Bổ sung cá vào khẩu phần ăn, đặc biệt là cá giàu axit béo omega-3; vì đây là nguồn protein dồi dào, tốt cho sức khỏe não bộ. (ảnh: Pixabay)

Cùng với đó, các thực phẩm giàu vitamin B (trong thịt, cá); chất xơ như rau lá màu xanh đậm, trà xanh, sữa chua… sẽ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể; phòng chống nguy hại của việc thức đêm.

Tăng thêm thời gian nghỉ ngơi thư giãn

Thức khuya thường sẽ khiến cơ thể rơi vào mệt mỏi do các hoạt động của cơ thể bị đảo lộn; do bị thay đổi nhịp sinh học của cơ thể. Khi bạn thấy cơ thể quá mệt mỏi có thể tăng thêm thời gian ngủ ban ngày; nghe nhạc hay đạp xe thư giãn cũng rất tốt cho cơ thể.

Thay đổi đồng hồ sinh học cơ thể

Khi đột nhiên phải thức khuya, cơ thể sẽ trở nên kém tỉnh táo; dễ mệt mỏi, buồn ngủ vào ngày hôm sau. Điều này là do bị rối loạn nhịp sinh học; cơ thể chưa thích ứng với sự xáo trộn của giờ giấc.

Để khắc phục điều này, bạn nên điều chỉnh đồng hồ sinh học bằng cách thay đổi dần giờ đi ngủ và giờ thức dậy để cơ thể có thể thích nghi từ từ. Nếu bạn phải thức đêm, hãy ngủ bù vào ban ngày; nhớ đảm bảo giấc ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày; để cơ thể tránh bị mệt mỏi và uể oải nhé.

Có thể bạn quan tâm: