Phụ nữ là ngọn nguồn của thế giới. Thời xưa, coi gốc của thiên hạ là quốc gia; gốc của quốc gia là gia đình; gốc của gia đình là ở con người. Người phụ nữ là cái gốc sinh ra bậc hiền tài. Bậc Thánh hiền sinh ra đều từ chốn khuê môn. Sự giáo dục từ một người mẹ đức hạnh là cái gốc thái bình của quốc gia. Vậy nên, đức hạnh phụ nữ có vai trò quan trọng đến sự hưng suy của xã hội. Ngày nay, theo trào lưu hiện đại và du nhập văn hoá phương Tây, phụ nữ Việt có nhiều thay đổi. Chúng ta thử bàn một chút về đức hạnh phụ nữ xưa và nay khác nhau như thế nào?
- Phụ nữ thời nay học được gì qua cuốn sách “Nữ giới” của Ban Chiêu
- Tại sao khi phụ nữ “nổi cơn tam bành” lại bị ví là “Sư tử Hà Đông”?
Xem nhanh
Công – Dung – Ngôn – Hạnh dưới lăng kính mới
Đức hạnh phụ nữ xưa gói gọn trong 4 từ: Công – Dung – Ngôn – Hạnh. Phụ nữ xưa sinh ra và lớn lên trong sự giáo dục của gia đình có nề nếp, gia phong. Dù con nhà giàu hay nghèo, vẫn được giáo dục đủ phẩm hạnh phụ nữ truyền thống.
Vậy đức hạnh người phụ nữ hiện đại là gì? Có thể vẫn là Công – Dung – Ngôn – Hạnh, nhưng dưới lăng kính mới. Cụ thể:
Công
Hiểu là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, là sự đảm đang của người phụ nữ. Nhưng ngày nay, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa ấy thay vào là đồ làm sẵn, đồ tiện lợi,…
Dung
Hiểu là vẻ đẹp hình thức, dáng vẻ bên ngoài của người phụ nữ. Là vẻ đẹp từ nội tâm đến hình dáng, đẹp từ cách ăn mặc đến nói năng khiêm nhường. Chuẩn mực vẻ đẹp phụ nữ xưa thường thuỳ mị, kín đáo, nhẹ nhàng, duyên dáng… Ngày nay, tuy vẻ đẹp phụ nữ được chau chuốt, đẹp hơn; nhưng nhiều người quá coi trọng hình thức không chú ý vẻ đẹp tâm hồn.
Ngôn
Là lời nói nhỏ nhẹ, dễ nghe, nhã nhặn… Lời nói phải gắn liền cử chỉ đoan trang, đúng phép tắc. Bởi chuẩn mực trong ngôn từ là thể hiện nét đẹp văn hoá của một người, xa hơn là dân tộc. Nhưng nay ngôn ngữ lộng phi, nói năng tùy tiện, nghĩ gì nói đấy, văng tục, chửi thề, cao giọng…
Nay khó tìm người phụ nữ có đủ Công – Dung – Ngôn – Hạnh.
Phụ nữ xưa và nay: Xưa giáo dục con coi trọng đức – nay coi trọng lợi
Dạy con từ thủa còn thơ, uốn nắn từ lúc còn nhỏ. Dạy con vừa dùng lời lẽ vừa lấy bản thân làm gương. Phải dạy từ lễ nghĩa, thành tín, lập chí; phải nghiêm khắc dạy dỗ, thương con nhưng không nuông chiều.
Tian Ji là một thủ tướng của nước Ji. Một lần, ông kính cẩn tặng mẹ mình vài miếng vàng. Người mẹ hoài nghi hỏi: “Ngươi làm thủ tướng 3 năm qua không có nhiều tiền như vậy. Đây là từ nhà vua hay từ viên chức của ngươi?”. Tian Ji sợ hãi vội nói thật, số vàng này là từ cấp dưới làm sai việc muốn ông nói đỡ với nhà vua.
Người mẹ nói: “…Ngươi nhận của đút lót, không những phải giúp người đó mà còn phá hủy luật lệ quốc gia. Ngươi không thành thật và cũng không giữ gìn được sự công minh. Hành động của ngươi đã vi phạm sự tin cẩn của nhà vua. Làm sao ngươi có thể bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà vua? Thêm vào đó ngươi đã làm hại thanh danh của ta. Ngươi là người nhân viên không trung thành và cũng là đứa con không vâng lời. Một đứa con không vâng lời thì không phải con của ta…”
Người mẹ ngày nay còn bận nhiều chuyện từ gia đình đến xã hội. Miệng quát con học nhưng tay vẫn lướt điện thoại. Con hư không nghe lời đành bất lực mắng con dốt nát… Thấy tiền rơi con nhặt bỏ túi, phải khôn, phải khéo, phải có lợi cho mình. Nhìn lại mới thấy giáo dục ấy đã xa quá chân lý rồi.
Phụ nữ xưa làm chủ gia đình – nay làm chủ xã hội
Phụ nữ nên nhu thuận, đó mới là bản tính trời ban. Trong gia đình truyền thống xưa, lấy tiêu chuẩn “phu xướng phụ tùy”. Người vợ làm chủ gia đình, đảm nhiệm việc nuôi dạy con. Người chồng gánh vác việc nặng, kiếm tiền nuôi gia đình. Vợ chồng là âm dương, cương nhu tương hỗ, cùng chung tiếng nói. Gia đình vì vậy mà thuận hoà, xã hội hưng thịnh.
Tuy nhiên, ngày nay quan niệm biến dị, nam nữ đảo lộn truyền thống. Chủ nghĩa “nữ quyền”, “phụ nữ có thể gánh vác một góc trời” khiến phụ nữ không còn nhu thuận. Dù nơi làm việc, hay trong gia đình, ở đâu phụ nữ cũng tranh cao thấp, thắng thua với nam giới; trở thành “nữ hán tử”. Thêm áp lực cuộc sống coi trọng vật chất, danh lợi, khiến phụ nữ lao tâm kiếm tiền. Cuối cùng, phụ nữ gánh vác đồng dạng trách nhiệm như nam giới.
Kết quả, phụ nữ thân tâm mệt mỏi, gia đình, con cái, công việc thống khổ không thôi. Còn người đàn ông? Thú vui hưởng lạc trong xã hội hiện đại quá hấp dẫn khiến nam giới chìm đắm trong men say. Địa vị gia đình ngày yếu nhược, bản thân không còn là đấng nam nhi cao thượng. Khiến cho cuộc sống gia đình luôn mâu thuẫn. Phụ nữ cũng sa ngã vì tiền bạc, quyền thế, bán thân cầu danh, cầu lợi. Gia đình vì thế mà tan vỡ, nhiều đứa trẻ hư hỏng vì học từ cha mẹ. Tất cả làm điên đảo âm dương, họa loạn Ngũ hành.
Phụ nữ xưa không mỹ lệ, thời trang – phụ nữ nay đẹp nhung lụa, son phấn
Một người phụ nữ đẹp theo quan niệm ngày xưa phải là người hội tụ cả đức hạnh và trí tuệ. Cái đẹp được coi là mực thước từ cử chỉ, hành động, lời nói đoan trang của người phụ nữ.
Có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Chỉ cần trang phục nền nã, gọn gàng, sạch sẽ, kín đáo. Phụ nữ xưa không chú trọng quần là áo lượt, tô son trang điểm nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp thuần khiết, lương thiện.
Ngày nay, chuẩn mực cái đẹp đã thay đổi nhiều. Phụ nữ không còn đi guốc mộc, đội nón lá, gội bồ kết, mặc áo tứ thân; mà thay bằng quần áo hàng hiệu, chạy theo mốt, thời trang. Phụ nữ khen nhau đẹp vì váy mới, hợp mốt, kiểu tóc đẹp, son môi tươi, lông mày xăm đẹp, mũi nâng cao thanh tú. Họ chê người kia lùn, xấu, béo, không biết ăn mặc, trang điểm… Nhưng chẳng ai chê người kia không dịu dàng, đoan chính, lời nói thiếu tao nhã, tế nhị…
Phụ nữ nay giỏi giang, thành đạt, đảm đương mọi việc từ xã hội đến gia đình. Họ vẫn là người vợ hiền, vợ đảm, là người giữ lửa, giữ hạnh phúc gia đình. Cho nên, giữa dòng xô bồ về đạo đức thế nhân trượt dốc này. Mỗi chị em hãy đủ thông minh tạo cho mình phong cách đẹp nhẹ nhàng và coi trọng việc tu dưỡng đạo đức.
Phụ nữ xưa và nay: xưa dịu dàng – nay “hổ báo”
Lời nói ra nếu đúng mực, đúng chỗ, khiêm nhường là thể hiện sự tu dưỡng đạo đức. Ngoài ra, còn là tấm lòng khoan dung, độ lượng, biết nghĩ cho người khác. Nghe lời nói, nhìn hành vi có thể đoán biết sự giáo dưỡng của phụ nữ.
Chuẩn mực trong giao tiếp hiện nay không được chị em chú ý. Nhiều người ăn nói tuỳ tiện, không chú ý ngôn từ, tác phong. Hễ nói là cao giọng, là lấn át người khác… Chuyện từ công sở, quốc gia đại sự, đến trong nhà ngoài ngõ, chồng tôi, con tôi… đều đem ra bàn luận. Họ bình luận chị này, em kia không tốt nhưng chẳng ai nhìn lại chính mình…
Nhiều bạn trẻ còn tệ hơn. Từ nóng, từ thiếu văn minh, chửi bậy, chửi thề tuôn ra từ chiếc miệng xinh xắn. Họ tưởng như vậy là đang theo kịp xu hướng thời đại.
Thần tạo ra phụ nữ đã ban cho cái đẹp rồi; cũng quy định tiêu chuẩn người phụ nữ đẹp phải là đức hạnh. Không có người phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ tự huỷ hoại nhân phẩm của mình mới là xấu. Phụ nữ xưa và nay đã cách nhau quá xa. Mong rằng mỗi chị em dù ở đâu, hoàn cảnh nào luôn coi việc giữ gìn phẩm hạnh, trau dồi đạo đức làm kim chỉ nam. Bản thân phải tu dưỡng thì gia đình yên ấm; gia đình yên ấm tất quốc gia sẽ hưng thịnh. Đó là đạo lý!