Phía sau những bộ sưu tập rực rỡ, những chiến dịch giảm giá dồn dập là một sự thật đen tối: rác thải thời trang đang trở thành cơn ác mộng môi trường toàn cầu. Và thủ phạm lớn nhất chính là “thời trang nhanh” – thứ thời trang tiêu thụ chóng vánh, rẻ tiền và đầy hệ lụy.

“Thời trang nhanh” – Khi cái đẹp trở thành gánh nặng môi trường

Ngành thời trang từng là biểu tượng của sáng tạo và nghệ thuật. Nhưng vài thập kỷ qua, nó biến đổi chóng mặt dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng nhanh. Các thương hiệu như Zara, H&M, Shein, Forever 21 liên tục tung ra hàng trăm bộ sưu tập mỗi năm với vòng đời sản phẩm chỉ vài tuần. Mục tiêu không còn là bền vững, mà là kích thích mua sắm liên tục.

Hệ quả: hàng tỷ bộ quần áo bị mua – và vứt bỏ – chỉ sau vài lần mặc. Theo Liên Hợp Quốc, ngành thời trang tạo ra khoảng 92 triệu tấn rác mỗi năm, tương đương một xe tải quần áo bị đổ bỏ mỗi giây – một con số đáng báo động cho cả hành tinh.

Rác thải thời trang đang đầu độc hành tinh như thế nào?

Ô nhiễm nguồn nước và hóa chất độc hại

Quy trình sản xuất vải vóc, nhuộm màu, xử lý chất liệu trong thời trang nhanh tiêu thụ lượng nước khổng lồ và thải ra vô số hóa chất độc hại. Ước tính, để làm ra một chiếc quần jeans, cần tới 7.500 lít nước – tương đương lượng nước một người uống trong 7 năm. Không dừng lại ở đó, các chất hóa học chưa được xử lý chảy ra sông ngòi, đe dọa hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Chôn lấp và đốt bỏ gây khí thải nhà kính

Phần lớn rác thải thời trang không được tái chế mà bị đem chôn lấp hoặc đốt bỏ. Trong quá trình phân hủy, các sợi tổng hợp như polyester (chiếm hơn 60% trong quần áo thời trang nhanh) sẽ giải phóng khí methane – một loại khí nhà kính cực mạnh, góp phần gây biến đổi khí hậu.

Vi nhựa len lỏi vào cơ thể người

Vải sợi tổng hợp, vốn rất phổ biến trong thời trang nhanh, khi giặt sẽ thải ra các vi nhựa nhỏ li ti trôi ra đại dương. Các nghiên cứu cho thấy vi nhựa đã được tìm thấy trong nước uống, muối biển; và thậm chí trong nhau thai người – gióng lên hồi chuông về hậu quả lâu dài cho sức khỏe.

Rác thải thời trang: Mặt trái ô nhiễm từ thời trang nhanh
Quy trình sản xuất vải vóc, nhuộm màu, xử lý chất liệu trong thời trang nhanh tiêu thụ lượng nước khổng lồ và thải ra vô số hóa chất độc hại (Ảnh: Getty)

Vì sao chúng ta vẫn cuốn theo thời trang nhanh?

Giá rẻ và dễ tiếp cận

Thời trang nhanh mang đến sản phẩm rẻ, đẹp, trông như hàng hiệu; nhưng giá chỉ bằng một bữa ăn nhanh. Với vài trăm nghìn đồng, bạn đã có thể sở hữu một “look” hoàn chỉnh, hợp trend, sẵn sàng sống ảo trên mạng xã hội.

Áp lực theo xu hướng

Sự phát triển của mạng xã hội khiến việc “mặc lại đồ cũ” trở thành điều không ai muốn. Ai cũng muốn được cập nhật xu hướng, thay đổi diện mạo thường xuyên; nên vô tình tiếp tay cho vòng xoáy mua nhanh – mặc ít – thải bỏ sớm.

Chúng ta có thể làm gì để giảm rác thải thời trang?

Mua ít lại, chọn kỹ hơn

Hãy chuyển từ tư duy “có thêm” sang “có đủ”. Chỉ nên mua khi thật sự cần và chọn những món đồ chất lượng, bền lâu. Đây là nguyên tắc “slow fashion” – đối lập với thời trang nhanh.

Ủng hộ thương hiệu bền vững

Rất nhiều thương hiệu thời trang hiện nay đã bắt đầu hướng đến sản xuất thân thiện môi trường; sử dụng chất liệu hữu cơ, tái chế và minh bạch chuỗi cung ứng. Hãy tìm hiểu kỹ và ưu tiên chọn họ thay vì mua hàng trôi nổi giá rẻ.

Tái sử dụng và sửa chữa

Một chiếc áo bị rách không nhất thiết phải vứt đi. Hãy học cách sửa, tái thiết kế hoặc phối hợp sáng tạo để thổi hồn mới cho món đồ cũ. Phong trào “Refashion” đang dần lan rộng trong giới trẻ như một tuyên ngôn cá tính thời trang.

Săn đồ second hand

Như bài viết trước đã phân tích, đồ thời trang second hand chính là giải pháp kép: tiết kiệm – bền vững. Mua đồ đã qua sử dụng không chỉ giúp giảm rác thải; mà còn mở ra thế giới thời trang độc bản đầy cá tính.

Rác thải thời trang: Mặt trái ô nhiễm từ thời trang nhanh
Xu hướng tận dụng, tái sử dụng đồ thời trang để giảm thiểu gánh nặng cho môi trường, đồng thời tạo phong cách độc đáo. (Ảnh: duyendangvietnam.net)

Giới trẻ nói không với thời trang nhanh

Ngày càng nhiều người nổi tiếng, influencer và thế hệ Gen Z lên tiếng phản đối sự độc hại của thời trang nhanh. Các chiến dịch như #WhoMadeMyClothes hay #SlowFashionMovement đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ chọn cách “khai tử” thời trang nhanh bằng cách giới hạn số lượng quần áo, tổ chức chợ trao đổi đồ cũ; hoặc tự tay thiết kế sản phẩm tái chế từ rác thải thời trang.

Mặc đẹp theo cách có trách nhiệm

Rác thải thời trang đang là một trong những hiểm họa thầm lặng; nhưng nghiêm trọng nhất đối với môi trường và sức khỏe con người. Chúng ta không thể mãi nhân danh “phong cách” để tiêu thụ vô tội vạ; rồi thải bỏ như chưa từng gắn bó.
Đã đến lúc mỗi người tiêu dùng trở thành một “người mặc có ý thức” – lựa chọn thời trang vì giá trị thật; không vì sự nhất thời. Bởi đằng sau một bộ quần áo đẹp, phải là một hành tinh xanh.