Nhiều năm qua, người dân buôn Bù Đách (xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đã quen thuộc với hình ảnh cậu bé Điểu Khuy Ních đi bằng đôi tay đến trường. Ước mơ lớn nhất của em là có một đôi chân giả.

‘Ông trời không cho con chân, con hãy tập đi bằng tay’

Theo báo Dân Trí, cậu bé Điểu Khuy Ních là con thứ 5 của chị Xuân (dân tộc M’Nông) cùng người chồng quá cố. Khi chị Xuân mang thai Ních, bác sĩ đã phát hiện những bất thường lúc bào thai mới 6 tháng tuổi.

Không nhẫn tâm bỏ đi đứa con của mình, vợ chồng chị Xuân vẫn giữ lại bào thai ấy. “Ngày Ních chào đời, vợ chồng tôi chết lặng, không tin vào mắt mình. Những đứa trẻ khác đều có hình hài đầy đủ, vậy mà con tôi chỉ nhỏ như một cục thịt và thiếu mất đôi chân. Hai vợ chồng chỉ biết ôm mặt khóc vì thương con sớm phải chịu bất hạnh”, chị Xuân kể lại.

Những người trong làng từng cho rằng, bất hạnh của Ních là sự trừng phạt của ông trời tới gia đình chị Xuân. Thế nhưng, vượt lên nghịch cảnh, những khiếm khuyết trên cơ thể lại được Ních đón nhận bằng thái độ lạc quan. Và từ đó, ánh mắt nhìn của dân làng đối với cậu cũng dần được thay đổi.

Chị Xuân xót xa kể lại: “Khi hơn 3 tuổi, cháu chỉ lật chứ không đi lại được, muốn đi đâu thì phải bố mẹ bế đi. Bỗng một ngày, cháu hỏi tôi là tại sao con lại không có chân như người khác. Tôi chỉ biết ôm con vào lòng rồi bảo rằng, ông trời không cho con chân, con hãy tập đi lại bằng tay của mình”.

Ngay sau đó, Ních tập đi ngay trên chiếc giường mình nằm. Mỗi lần ngã, cậu bé tự đứng dậy mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Nửa năm sau, điều kỳ diệu đã đến, Ních đã đi những bước đầu tiên, khi mà đôi tay đã bắt đầu rỉ máu.

Hành trình đến trường của cậu bé đi bằng tay Điểu Khuy Ních (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).
Hành trình đến trường của cậu bé đi bằng tay Điểu Khuy Ních (ảnh chụp màn hình báo Dân Trí).

Cũng chính vì cách đi lại ấy khiến trọng lượng cơ thể đổ dồn vào đôi tay yếu ớt nên hiện nay cánh tay của Ních đã biến dạng. Đặc biệt, do thường xuyên vấp phải mảnh sành, sỏi đá nên bàn tay chi chít vết sẹo. Dù nhiều lần bố mẹ cho mang dép nhưng chỉ đi được một hai lần rồi Ních lại bỏ ra do bất tiện.

Cậu bé Ních tâm sự, em từng ước có một chiếc chân giả để được chạy nhảy cùng bạn bè. Song biến cố bất ngờ, ước mơ chưa được thực hiện thì bố Ních lâm bệnh nặng, cả nhà phải bán đi vườn điều để lấy tiền chạy chữa. Số tiền dành dụm mua chân giả cho Ních cũng phải mang ra dùng với hy vọng cứu sống bố của Ních- anh Điểu Pớt.

Vậy nhưng, bố Ních đã qua đời đúng ngày mùng 4 Tết Nguyên đán năm vừa rồi. Nhìn lên di ảnh của chồng, chị Xuân nói: “Bố nó nằm liệt giường 6 tháng, tiền bán vườn điều chỉ có 60 triệu nên không đủ chạy chữa. Bây giờ bố nó mất rồi, không biết đến ngày nó trưởng thành, tôi còn sống để mua cho nó đôi chân giả nữa hay không ?”.

Cô Đoàn Thị Giang, giáo viên chủ nhiệm của Ních cho biết, năm học vừa qua, dù sự ra đi của bố là biến cố lớn, nhưng Ních vẫn hoàn thành tốt chương trình học tập với kết quả xuất sắc. Sự lạc quan, nụ cười rạng rỡ của Ních  không chỉ khiến bạn bè mà cả các thầy cô giáo trong trường cũng xúc động và ngưỡng mộ.

Thắp sáng ước mơ từ tấm gương đi trước

Trước đây, đã có những học sinh gặp hoàn cảnh tương tự như Điểu Khuy Ních; và cũng bằng ý chí, nghị lực phi thường, họ đã làm được những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Trường hợp của Lầu A Sáng là ví dụ.

Gần chục năm trước, Lầu A Sáng được báo chí nhắc đến khi hàng ngày em vượt đồi núi đến trường bằng tay (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).
Gần chục năm trước, Lầu A Sáng được báo chí nhắc đến khi hàng ngày em vượt đồi núi đến trường bằng tay (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).

Theo báo Dân Việt, quê Sáng ở tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La. Bị dị tật từ nhỏ, đôi bàn chân của Sáng cứ thõng xuống, nên cậu bé phải tập đi bằng tay. Khao khát được học học hành mà nhà nghèo chẳng có tiền mua xe lăn, vậy là suốt 5 năm tiểu học, hàng ngày Sáng đều dùng đôi tay thay chân để vượt những con đường đồi núi để đến trường.

Lầu A Sáng khi trở thành sinh viên năm thứ 3 ngành CNTT (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).
Lầu A Sáng khi trở thành sinh viên năm thứ 3 ngành CNTT (ảnh chụp màn hình báo Dân Việt).

Lên cấp 2, nhà quá xa trường, cậu bé được bố mẹ đưa đón. Đến cấp 3, Sáng được các thầy cô Trường Hữu Nghị 80 ở Sơn Tây (Hà Nội) đón về học. Sau khi học xong cấp 3, Sáng có nguyện vọng vào học Khoa Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Kinh Bắc ở Bắc Ninh nên đã xét tuyển vào đây. Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, Sáng đã trở thành sinh viên năm cuối đại học, chuyên nghành công nghệ thông tin. Em cũng không còn phải đến trường bằng đôi bàn tay mà thay vào đó đã có chiếc xe lăn bên cạnh, giúp việc di chuyển của Sáng được dễ dàng.

Mong rằng với nỗ lực phi thường của mình và sự giúp đỡ từ cộng đồng, tương lai cậu bé Điểu Khuy Ních sẽ có nhiều niềm vui giống như Lầu A Sáng.