Làm việc bao nhiêu giờ một ngày là đủ? Câu trả lời không nằm ở con số. Muốn làm việc ít mà hiệu quả cần ba điều: Làm việc tập trung, tinh thần trách nhiệm và mục đích làm việc.
Theo thống kê năm 2015, một người Singapore có năng suất làm việc bằng gần 23 người Việt Nam. Một người Malaysia bằng gần sáu người Việt Nam. Một người Thái Lan bằng gần ba; một người Philippines hay Indonesia cũng vẫn bằng hơn hai người Việt Nam.
Xem nhanh
Giờ làm việc là làm việc
Người Nhật được nhận xét là có tác phong làm việc nghiêm túc, đặt tập thể lên trên cá nhân. Người Singapore có tác phong khoa học, chặt chẽ và làm việc rất tập trung. Người Đức chính xác, kỷ luật và tỉ mỉ. Người Mỹ coi trọng hiệu quả công việc. Người Hàn Quốc tập trung vào kết quả công việc; dù phải làm tăng ca và không có ngày nghỉ…
Mỗi quốc gia đều có văn hóa làm việc rất khác nhau. Ví dụ người Mỹ luôn ưu tiên thời gian cho bản thân và gia đình lên hàng đầu. Họ hướng tới sự cân bằng và cho rằng đó chính là cách tăng năng suất lao động. Với người Nhật, cuộc sống lại chính là công việc. Người lao động ở các quốc gia có năng suất lao động cao; đều rất nghiêm túc trong công việc và có tinh thần trách nhiệm cao. Thể hiện ở chỗ họ luôn đúng giờ và tập trung làm việc.
Người Đức chỉ làm việc 35 giờ một tuần. Nhưng với họ, giờ làm việc là giờ làm việc. Khi làm việc là tập trung vào công viêc. Sự tập trung tối đa trong công việc giúp họ làm việc ít mà hiệu quả.
Tinh thần trách nhiệm
Trong văn hóa làm việc của người phương Tây, không có công việc nào là tầm thường. Bất cứ việc gì cũng xứng đáng để làm và cần làm một cách tốt nhất. Việc dù nhỏ đến đâu cũng đều có tiêu chuẩn. Dù làm kinh doanh dù lớn hay nhỏ, dù là chủ hay nhân viên, hầu hết mọi người đều đặt công việc là một phần của cuộc sống. Họ tận tâm, tận lực làm cho tốt, chất lượng sản phẩm làm ra càng ngày càng tốt hơn nữa.
Người phương Tây rất coi trọng tinh thần trách nhiệm. Người ta làm việc không chỉ là vì tiền lương mà là vì nhân cách và giá trị của bản thân mình. Làm việc có trách nhiệm giúp họ tích luỹ được những kinh nghiệm mới, từ đó tìm thấy niềm vui và giá trị sống.
Đi làm để làm gì?
Người Việt chúng ta bị nhận xét là dưới tàn dư của thời bao cấp, mô hình hợp tác xã, cha chung không ai khóc. Người dân bị bần cùng hoá, đói khổ, công việc chỉ là để đối phó, để sinh tồn, để giữ sự sống… Tới thời mở cửa có cơ hội để làm giàu, với tâm thái chụp giật muốn phát tài sau một đêm. Làm việc không có tính toán lâu dài mà chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. Với một số người, trọng tâm làm việc của họ là vì tiền. Công việc làm tắc trách, qua loa, việc ngoài bổn phận của mình thì không chủ động giải quyết.
Công việc có thể đem lại cho chúng ta tiền bạc, đem lại cho chúng ta những thành công. Nhưng những thù lao vật chất hay địa vị có được luôn luôn đi cùng với sự cống hiến và tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ.
Thay đổi tư duy
Khi chúng ta chỉ coi trọng tiền bạc, danh vọng do công việc mang lại mà ngại chịu đựng và thiếu tinh thần trách nhiệm, thì sẽ tự nhiên dẫn tới việc làm hình thức, chiếm dụng, lãng phí thời gian và tài nguyên của công ty.
Khi chúng ta chỉ thích hưởng thụ niềm vui, an nhàn khi làm việc và thiếu trách nhiệm, luôn miệng phàn nàn và đối phó để hoàn thành công việc, chúng ta sẽ không thể tìm thấy niềm vui trong công việc và đạt năng suất lao động cao.
Nếu như tư duy của chúng ta chưa thay đổi thì sẽ khó có được những thay đổi vượt bậc trong năng suất làm việc. Khi chúng ta biết rõ mục đích đi làm là để làm gì? Giá trị của con người chúng ta là ở đâu? Tiền bạc có phải là điều duy nhất khiến ta bật dậy mỗi buổi sáng và háo hức muốn đến sở làm? Thì lúc đó chúng ta sẽ tự khắc tìm được cách cải thiện bản thân, nỗ lực học hỏi, có thái độ tích cực với công việc… Từ đó có thể làm việc ít mà hiệu quả, năng suất làm việc thay đổi theo.
Khi việc đi làm không còn là nghĩa vụ “cày quốc” kiếm sống nữa thì niềm vui là ở bản thân công việc chứ không phải ở những lợi ích của nó. Và tất nhiên, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng, bởi: Nhân nào quả nấy!