Hành trình đến với trà Thái Nguyên là cuộc tìm về cội nguồn; khám phá giá trị văn hóa truyền thống và bảo tồn di sản trà trong xã hội hiện đại.

Khởi nguyên từ ký ức tuổi thơ với trà Thái Nguyên

Tuổi thơ tôi gắn liền với vùng đất Thái Nguyên; nơi được mệnh danh là thủ phủ của chè Việt Nam. Mỗi buổi chiều, tôi thường theo cha lên những đồi chè xanh mướt sau nhà; hái những búp chè non rồi sao trên bếp củi. Mùi khói bếp hòa quyện với hương chè đã trở thành một phần ký ức ngọt ngào và không thể phai mờ.

Cha tôi là người yêu trà; ông tự tay sao chè và pha những ấm trà để mời bạn bè đàm đạo. Đối với cha, trà không chỉ là thức uống mà còn là cách để kết nối và nuôi dưỡng giá trị tinh thần. Tôi học được từ cha cách nâng niu từng búp chè; chăm chút từng ấm trà để mang đến niềm vui và sự gắn kết với mọi người.

Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đã kéo tôi xa rời những giá trị ấy. Công việc và những lo toan hằng ngày khiến trà chỉ còn là thói quen; không còn là trải nghiệm sâu sắc như trước. Một ngày nọ, nhìn những đồi chè xanh bạt ngàn, tôi tự hỏi: “Tại sao tôi lại không hiểu hết những giá trị trà Thái Nguyên?”

Câu hỏi ấy đã thôi thúc tôi bắt đầu một hành trình tìm về cội nguồn trà; khôi phục lại những giá trị nguyên bản mà cha ông đã gìn giữ qua bao thế hệ.

Trà đạo và sự mai một trong xã hội hiện đại

Trà đạo không chỉ là nghệ thuật thưởng trà mà còn là biểu tượng của sự thanh cao, tĩnh lặng và hòa hợp với thiên nhiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, những giá trị ấy đang dần mai một.

Nhịp sống bận rộn khiến mọi người không còn đủ thời gian để thực hiện các nghi thức trà đạo. Họ ưa chuộng các thức uống nhanh như cà phê, trà túi lọc hay đồ uống đóng chai. Những khoảnh khắc chậm rãi để thưởng trà, suy ngẫm và tìm về sự tĩnh lặng dần bị thay thế bởi sự hối hả.

Hành trình đến với trà Thái Nguyên
Trà đạo không chỉ là nghệ thuật thưởng trà mà còn là biểu tượng của sự thanh cao, tĩnh lặng và hòa hợp với thiên nhiên (Ảnh: internet)

Thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm đến giá trị văn hóa truyền thống; thay vào đó là xu hướng hiện đại, năng động. Trà đạo, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tĩnh lặng, không còn phù hợp với thị hiếu của họ. Bên cạnh đó, số lượng người sẵn sàng học và gìn giữ trà đạo ngày càng ít, trong khi các nghệ nhân giàu kinh nghiệm không còn nhiều cơ hội truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Hành trình đến với trà Thái Nguyên- tìm lại giá trị nguyên bản

Trà không chỉ là một thức uống, mà là di sản văn hóa; là tinh hoa của đất trời và con người. Nhận thức được điều này; tôi quyết định bắt đầu hành trình tìm lại những giá trị nguyên bản của trà Thái Nguyên; không chỉ để hiểu mà còn để bảo tồn và phát triển.

Từ lâu, trà đã được biết đến như một dược liệu quý giúp thanh lọc cơ thể và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại; việc sử dụng hóa chất trong trồng trọt đã làm giảm chất lượng trà. Tôi quyết định hướng đến trà hữu cơ – một phương pháp canh tác bền vững, tôn trọng thiên nhiên.

Chuyển từ cây chè dùng hóa chất sang chè hữu cơ là một hành trình dài và đòi hỏi kiên nhẫn. Đất đai cần ít nhất 3 năm để phục hồi sự cân bằng tự nhiên. Các vi sinh vật có lợi dần quay lại, giúp cây chè phát triển khỏe mạnh mà không cần đến phân bón hóa học. Cây chè phải tự điều chỉnh để phát triển rễ sâu hơn và tìm nguồn dinh dưỡng từ đất.

Hành trình đến với trà Thái Nguyên
Hành trình đến với trà Thái Nguyên là cuộc tìm về cội nguồn (Ảnh: Khánh Chi)

Tôi cũng chọn cách chế biến trà thủ công; không sử dụng phụ gia hóa học, để giữ nguyên hương vị tự nhiên của trà. Mỗi búp trà đều trải qua các công đoạn sao, vò, sấy khô bằng tay, giữ trọn tinh túy thiên nhiên và mang lại cho người thưởng thức cảm giác gần gũi, sâu lắng.

Trà Thái Nguyên và vai trò kết nối trong gia đình và cộng đồng

Trà không chỉ là thức uống mà còn là cầu nối gắn kết các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Trong gia đình ba thế hệ của tôi, trà luôn hiện diện trong những khoảnh khắc sum vầy.

Khi có hiểu lầm hay bất đồng, những ấm trà trở thành phương tiện hóa giải. Mỗi lần dâng trà lên mẹ; tôi không chỉ bày tỏ sự kính trọng mà còn thể hiện lòng chân thành, mong muốn sửa đổi và hàn gắn. Qua đó, tình cảm gia đình trở nên ấm áp và gắn bó hơn.

Đối với tôi, pha trà không chỉ là nghi thức mà còn là nghệ thuật. Từng động tác châm nước, rót trà thể hiện sự khiêm nhường và lòng hiếu khách. Những khoảnh khắc ấy giúp tôi tĩnh tâm, kiểm soát cảm xúc và nuôi dưỡng lòng yêu thương.

Con trai tôi dù mới học lớp 8, cũng đã bắt đầu yêu trà qua những lần cùng mẹ lên nương; tham gia ghi hình và thiết kế nội dung truyền thông về trà. Những trải nghiệm này giúp con hiểu được giá trị của lao động; tình yêu với thiên nhiên và lòng biết ơn đối với người nông dân.

Tôi là Khánh Chi, sau gần 20 năm làm việc tại các tổ chức quốc tế và công ty liên doanh trong lĩnh vực tinh luyện Vonfram, tôi nhận ra sứ mệnh của mình là gắn bó với cội nguồn – quê hương trà. Hiện tôi là Trưởng bộ phận Marketing tại một đơn vị sản xuất trà sạch và an toàn. Mỗi ngày làm việc cùng trà và những người nông dân cần cù, tôi càng cảm nhận sâu sắc giá trị giáo dục và hướng thiện của trà. Tôi mong muốn lan tỏa vẻ đẹp thuần khiết của trà đến mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế, để cùng trân trọng giá trị tinh hoa này.

Tầm nhìn và sứ mệnh bảo tồn giá trị văn hóa trà thái nguyên

Mỗi tách trà, mỗi lá chè đều chứa đựng câu chuyện của đất trời và con người. Trà Thái Nguyên không chỉ là thức uống mà còn là hành trình tìm về cội nguồn; khám phá những giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc.

Tôi hy vọng rằng, với những nỗ lực của mình; trà Thái Nguyên sẽ không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn vươn xa ra thế giới. Qua từng lá trà, tôi muốn chia sẻ với cộng đồng những giá trị văn hóa trường tồn; góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh bền vững và bảo vệ những gì tinh túy mà thiên nhiên ban tặng.

Trong mỗi tách trà, tôi nhìn thấy niềm tin vào tương lai – một tương lai nơi con người sống hài hòa với thiên nhiên; trân trọng và bảo tồn những giá trị văn hóa đã được cha ông gìn giữ qua bao thế hệ.