Các bậc trí giả đều học “Đức của nước” mà nhu hòa sống trong trời đất bao la, có thể thấu hiểu được vạn vật. Trí tuệ cổ nhân lưu lại muôn đời sau vẫn còn.

Đức của nước – Đức dung dưỡng sự sống

Trái đất của chúng ta là một sự nhiệm màu tuyệt đẹp của Đấng Tạo Hoá. Ở đây nhờ có nước mà dung dưỡng sự sống của muôn loài. Bởi vì ¾ diện tích bề mặt quả địa cầu là nước. Nước tạo nên sự đa dạng hệ sinh thái tự nhiên.

Trong cơ thể con người, ¾ trọng lượng cơ thể cũng là nước. Nước là thành phần chính của máu; làm nhiệm vụ đưa các dưỡng chất đi khắp cơ thể và lưu thông tuần hoàn. Vì đặc tính của nước là có khả năng tuần hoàn…

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, trải qua bao nền văn minh vẫn luôn gắn liền với những dòng sông lớn. Sông mang đầy ắp phù sa cho mùa màng tươi tốt, cho hàng trăm loại thuỷ sản, tôm cá sinh sống. Bởi có sông hồ, biển cả mà con người sống thuận tiện hòa hợp với tự nhiên, sự giao thông thoải mái khắp 5 châu. Ngày nay, ở nhiều nơi người dân vẫn luôn tôn kính vị Thần Nước, Thần Sông và Thần Biển. Hàng năm, các hoạt động tổ chức các lễ hội cầu an mong cho mưa thuận gió hoà vẫn diễn ra nhiều nơi.

Học theo “Đức của nước”, chúng ta có thể làm một người có ích cho xã hội, tự tạo dựng sự sống cho chính mình và tạo ra nhiều loài vật. Giá trị của nước ở chính đặc tính của nó, con người cũng tu tâm dưỡng tính theo “đặc tính của nước” sẽ tự nhiên hiểu được “Đức của nước là gì?”

“Đức của nước” dạy người cách tu dưỡng bản thân

Đức thuận theo những quy luật của tự nhiên

Khác với sự cứng nhắc và bị bào mòn của các loại vật chất. Nước có đặc tính luôn tuần hoàn mãi theo thời gian. Thậm chí, khi nước bị tụ lại trong những nơi ao tù, hồ trũng; nước vẫn sẽ bốc hơi lên rồi trở về lại với Trời cao để hoàn sinh.

Từng giọt nước nhỏ đơn lẻ có thể không làm nên điều gì to lớn. Nhưng nước biết kết tinh thành từng giọt, rồi tạo nên sức mạnh to lớn. Nước biết tự bốc hơi rồi lại hội tụ dưới hình thái của những đám mây to. Rồi tạo thành hạt mưa rơi xuống. Đã tạo nên những dòng chẩy nhỏ tự nhiên như suối, sông, biển.

Cứ vậy, qua hàng ngàn năm, nước vẫn tuần hoàn theo quy luật của tự nhiên. Con người biết tận dụng quy luật của nước rồi tạo nên những đập thuỷ điện. Tạo ra những cỗ máy hơi nước, … phục vụ cho cuộc sống con người.

Đức thuận theo những quy luật của tự nhiên
Sống trong đời, hãy cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên. Ảnh: tourthailan.net.vn.

Tuy nhiên, người trí tuệ có thể học “Đức của nước” mà tu dưỡng bản thân. Học cách làm người quân tử, học cách am hiểu đạo lý con người và siêu thoát khỏi con người.

Đạo khiêm nhường và mềm mại

Nước là thứ duy nhất có thể ngày đêm luân chuyển không ngừng. Nó chảy tuần tự theo quy luật của Trời Đất. Nước chảy ngang qua nơi nào thì sẽ rót đầy nơi đó; khi gặp vật ngăn cách thì nước tự biết xoay chiều dòng chảy, nhưng không bao giờ quay đầu; nó vẫn luôn tiến lên phía trước.

Nước ở trạng thái những đám mây nơi cao nhất trên trời. Dòng nước cũng chẳng ngại lao xuống những nơi góc cùng ngõ tận, nơi thấp bé cho đến các thành thị; nước len lỏi mọi ngóc ngách đã mang đến sự sống muôn nơi.

Lão Tử nói rằng: “Mọi người ở trên cao riêng nước ở dưới thấp, mọi người ở chỗ dễ chịu riêng nước ở chỗ hiểm trở, mọi người ở chỗ sạch sẽ riêng nước ở chỗ dơ bẩn, chỗ nước ở là chỗ mà mọi người ghét thì ai còn tranh giành với nước được đây.”

“Đức của nước” bao dung, vô ngã

Nước có đặc tính trong vắt nên sáng soi được vạn vật. Khi chưa tạo ra gương, con người và muôn loài vật đã biết soi mình dưới đáy nước. Sự dơ bẩn nào cũng đều cần sử dụng nước để được gột rửa sạch sẽ. Người sâu sắc học cách tu tâm tĩnh lặng như nước mới có thể thấy được lòng người. Muốn thấu hiểu cuộc đời, khi tâm tính đạt đến mức bình lặng hoàn toàn như mặt nước. Cũng có thể nói là đã đạt tới cảnh giới của đạo.

“Đức của nước” dạy người cách tu dưỡng bản thân
Lão Tử và Khổng Tử (Ảnh: nguyenuoc)

Trong một lần gặp gỡ, Lão Tử đã dặn Khổng Tử rằng:

Không tranh với đời, thì thiên hạ không ai có thể tranh cùng, đó là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo. Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ trái ngược, là giỏi tìm chỗ đứng. Ở chỗ không, nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể dò tìm, là giỏi làm vực sâu. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân vậy. Tròn ắt sẽ xoay, vuông ắt sẽ gẫy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, đó là giỏi giữ chữ tín.

Gột rửa mọi dơ bẩn, đo chỉnh cao thấp, là giỏi xử lý mọi vật. Dùng để chở thì nổi, dùng để soi thì trong, dùng để công phá thì tất cả những gì kiên cố vững chắc cũng không thể địch nổi, đó là giỏi dùng khả năng. Ngày đêm không nghỉ, tràn đầy rồi mới tiến tiếp, là giỏi chờ thời vậy.”

“Đức của nước” linh hoạt, bền bỉ

Nước dễ thích ứng với nhiều hình thái vật chất từ thể rắn, lỏng, khí mà hữu ích với muôn sự sống. Nước là tấm gương của tâm hồn. Người xưa có câu “nước chảy đá mòn”; nước tuy yếu mềm nhưng chẳng ai thắng nổi được nó.

Trên thế gian không gì mềm mại bằng nước; và cũng không có thứ gì có sức công phá mạnh hơn nước. Những lúc biển cả nổi giận cuồn cuộn, tạo ra những cơn sóng thần cuốn bay tất cả. Thế mới thấy con người đứng trước thiên nhiên thật nhỏ bé vô cùng. Đức của nước có nhiều điều nữa mà vẫn chưa khám phá hết.

Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường vậy. Sông biển sở dĩ có thể làm vua của trăm suối khe, là do nó giỏi ở chỗ thấp. Thiên hạ không có gì mềm mại yếu đuối hơn nước, mà những cái rắn chắc mạnh mẽ lại không cái nào có thể thắng được nước, đó là đức nhu vậy. Do đó nhu thắng cương (mềm thắng cứng), nhược thắng cường (yếu thắng mạnh). Vì nước không có hình thái cố định, nên có thể vào mà không bị ngăn cách, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”.

Học “Đức của nước” là cách tu dưỡng bản thân tốt nhất. Có thể còn nhiều đạo lý thâm sâu nữa; mỗi người có căn cơ khác nhau sẽ có lĩnh hội khác nhau.