Hầu hết khi nói về đột quỵ, chúng ta đều cho đó là bệnh của người cao tuổi. Nhưng trên thực tế, thì ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể xảy ra. Đặc biệt, đột quỵ ở trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ cao như ở người lớn tuổi.

Theo các chuyên gia, đột quỵ ở trẻ sơ sinh ( hay còn gọi là đột quỵ chu sinh ) xảy ra trong 28 ngày đầu tiên sau khi sinh. Tuy nhiên, đột quỵ ở nhóm tuổi còn quá nhỏ này, phần lớn vẫn không được thừa nhận; do đó trẻ không được điều trị.

Tỷ lệ đột quỵ ở trẻ sơ sinh rất cao so với trẻ ở lứa tuổi khác

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins ( Mỹ ), tỷ lệ đột quỵ ở giai đoạn trẻ sơ sinh là rất cao so với lứa tuổi trẻ biết đi và trẻ em
Tỷ lệ đột quỵ ở giai đoạn trẻ sơ sinh là rất cao so với lứa tuổi trẻ biết đi và trẻ em ( Ảnh minh họa: Internet )

Đột quỵ ( hay còn gọi là tai biến mạch máu não ) xảy ra, khi việc cung cấp máu lên não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể; khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào; gây tổn thương não nghiêm trọng.

Có hai loại đột quỵ: xuất huyết não và thiếu máu não cục bộ.

Đột quỵ thiếu máu não cục bộ: xảy ra khi dòng máu đến não giảm đi; do các cục máu đông, được gọi là huyết khối, gây tắc nghẽn động mạch cản trở quá trình máu lên não.

Đột quỵ xuất huyết não: xảy ra khi mạch máu đến não bị vỡ, gây chảy máu trong não.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins ( Mỹ ), tỷ lệ đột quỵ ở giai đoạn trẻ sơ sinh là rất cao so với lứa tuổi trẻ biết đi và trẻ em. Huyết khối huyết trong tĩnh mạch não xảy ra ở 1/ 6000 trẻ ; đột quỵ thiếu máu cục bộ não ở động mạch não ở 1/ 4000 trẻ ; và đột quỵ xuất huyết não xảy ra ở 1/ 4000 trẻ sơ sinh. Sau giai đoạn sơ sinh, nguy cơ tai biến mạch máu não ở trẻ sẽ giảm xuống đáng kể.

Các triệu chứng đột quỵ ở trẻ sơ sinh khó nhận biết

Đột quỵ ở trẻ sơ sinh thường không có các triệu chứng lâm sàng; thường không được chuẩn đoán ra. Do đó, không được điều trị cho đến khi em bé lớn tuổi hơn
Triệu chứng đột quỵ ở trẻ sơ sinh thường khó chuẩn đoán ( Ảnh minh họa: Internet )

Theo các chuyên gia, tai biến mạch máu não ở trẻ sơ sinh thường không có các triệu chứng lâm sàng; thường không được chuẩn đoán ra. Do đó, không được điều trị cho đến khi em bé lớn tuổi hơn. Các dấu hiệu đột quỵ thường gặp ở trẻ lớn và người lớn, như vấn đề về ngôn ngữ, liệt nửa người, hoặc mất khả năng giữ thăng bằng; lại rất khó hoặc không thể phát hiện ở trẻ sơ sinh.

Ở trẻ sơ sinh, tai biến mạch máu não đặc trưng bởi tình trạng: co giật, buồn ngủ nhiều hoặc hôn mê, xu hướng lệch người, chỉ vận động được một bên cơ thể.

Các yếu tố guy cơ gây đột quỵ cho bé sơ sinh

bác sĩ đang cho mẹ nhìn bé khi vừa sinh xong
Chấn thương khi sinh là một trong nguyên nhân gây đột quỵ cho trẻ sơ sinh ( Ảnh minh họa: Pixabay )

Các yếu tố nguy cơ bao gồm từ con và từ mẹ:

Các yếu tố nguy cơ từ con, bao gồm: bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương khi sinh, ngạt khi sinh.

Các yếu tố nguy cơ từ mẹ, gồm: con so, tiền căn vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, phải hỗ trợ hút khi sinh, phải sinh mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu.

Càng có nhiều yếu tố nguy cơ, thì nguy cơ đột quỵ trẻ sơ sinh càng cao.

Các phương pháp chuẩn đoán

Bác sĩ đang siêu âm cho mẹ bầu để kiểm tra thai nhi có phát triển tốt không. Siêu âm cũng là biện phát phát hiện đột quỵ ở trẻ sơ sinh ngay khi trong bụng mẹ.
Siêu âm có thể phát hiện được nếu thai nhi bị đột quỵ rất nặng ( Ảnh minh họa: Internet )

Chụp cộng hưởng từ ( MRI ):Trong quá trình mang thai, nếu các bác sĩ nghi ngờ em bé bị một dị tật bẩm sinh; và người mẹ sẽ được làm một xét nghiệm gọi là chụp cộng hưởng từ cho thai nhi (MRI). Các MRI cho thai nhi rất hiệu quả trong việc phát hiện đột quỵ ở thai nhi.

Siêu âm: Bằng siêu âm bình thường trong thời kỳ mang thai, có thể phát hiện được nếu thai nhi bị đột quỵ rất nặng; đến khi em bé được sinh ra, sẽ được chụp não một lần nữa để xác nhận lại chẩn đoán.

Ngoài ra, tất cả các trẻ sơ sinh bị co giật, nên được siêu âm và chụp cắt lớp CT ở đầu.

Ngăn ngừa đột quỵ ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Người mẹ hạnh phúc ngắm con ngủ ngon.
Bé khỏe mạnh là niềm hạnh phúc của cha mẹ ( Ảnh minh họa: Pixabay )

Bởi vì có nhiều em bé bị đột quỵ khi còn nằm trong bụng mẹ; do vậy, mọi sự phòng ngừa cần được thực hiện, để đảm bảo cho thai nhi nhận được lưu lượng máu khỏe mạnh khi ở trong bụng mẹ. Mẹ bầu nên ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc lá, và tránh tình trạng bị mất nước.

Nếu thai phụ có tiền sử gia đình hoặc tiểu sử đã từng bị rối loạn đông máu, thì cần kiểm tra xem có bị bệnh di truyền có liên quan đến yếu tố V Leiden ( yếu tố V leiden còn được gọi là FVL (Factor V Leiden), là một đột biến gen giữ cho quá trình đông máu diễn ra bình thường); có thể dẫn đến đông máu cho em bé nằm trong bụng. Và nếu phát hiện em bé bị đông máu, các bác sĩ có thể thực hiện các bước điều trị cần thiết

Khi em bé chào đời, tình trạng mất nước đôi khi có thể làm cho máu bị đông. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây của tình trạng mất nước; hãy đưa trẻ sơ sinh đến khám bác sĩ:

  • Khô miệng.
  • Thay tã ướt ít hơn sáu lần mỗi ngày.
  • Không khóc và đôi mắt bé trũng sâu.
  • Phần ‘điểm mềm’ ở đỉnh đầu của bé bị hóp lại.
  • Da khô.

Các bậc cha mẹ cần ý thức được trẻ sơ sinh có thể bị đột quỵ. Nếu phát hiện em bé có bất kì dấu hiệu lạ nào, hãy đưa con đến khám gặp bác sĩ chyên khoa sớm nhất; để được chuẩn đoán và điều trị.