Đoàn làm phim? Bộ phim có quyết định đi vào sản xuất cũng cần thành lập Đoàn làm phim với thành phần chủ yếu: Chủ nhiệm, đạo diễn, quay phim, hoạ sĩ

Họ sẽ chọn những người cộng tác với mình trong Đoàn làm phim từ những Xưởng thuộc Hãng phim. Phó quay, thư ký…lấy từ các Xưởng làm phim. Phục trang, hóa trang, dựng cảnh, đạo cụ… từ Xưởng thiết kế mỹ thuật. Bộ phận kỹ thuật, ánh sáng, ray guy, khói lửa… từ Xưởng thiết bị kỹ thuật…

Tất cả sẽ tham gia làm công việc của mình trong Đoàn làm phim, cho tới khi giai đoạn quay của bộ phim kết thúc. Khi đó họ trở về sinh hoạt và làm việc trong Xưởng của mình.  

Yếu tố thành công của một bộ phim

Đạo diễn giỏi, biết cách làm việc với diễn viên thì thể hiện được tốt ý tưởng,nội dung phim. Người quay phim giỏi, làm ánh sáng giỏi thì có được những khuôn hình và ánh sáng đẹp mang đến cảm xúc cho người xem, diễn viên giỏi là biết điều tiết diễn xuất sao cho vừa tới với yêu cầu của vai diễn sẽ có được những cảnh phim chất lượng cao. Kết hợp rất nhiều yếu tố được phối hợp nhịp nhàng, thì sẽ có bộ phim hay.

Bởi vậy nghề viết về nghệ thuật phim ảnh, về những công việc trong một đoàn làm phim cũng nên có những phương cách đặc thù.
Một vài suy nghĩ, ý tưởng về công việc cần làm chạy qua đầu, khiến tôi vững tin, quyết tâm. Vậy là năm ấy, tôi đã bắt đầu một nghề mới như vậy, nghề viết báo về Điện ảnh.

Luôn cẩn trọng để có được kết quả tốt

Buổi sáng sau khi con gái đi học, còn lại một mình ở nhà tự do tự tại… tôi ngồi xuống cạnh chiếc bàn bên cửa sổ có tấm rèm nhựa màu xanh hướng ra cổng, chống tay tựa cằm suy nghĩ.

Xuất phát điểm của mình ở nghề này là con số 0; mình không học qua trường lớp nghiệp vụ về báo chí, môn văn ngày còn đi học cũng không giỏi… Vậy mình sẽ phải cố gắng rất nhiều lần so với các bạn làm báo chuyên nghiệp. 

Tôi cẩn thận soạn những phần câu hỏi cần quan tâm cho từng  khâu sản xuất của một bộ phim.  Thật may thời gian này tôi đã có hành trang gần 20 năm lang thang nghề làm phim.

Gọi điện thoại cho bên tạp chí và nói về dự định viết bài của mình… tôi đã rất vui và phấn chấn khi các anh hưởng ứng kế hoạch của tôi rồi còn kèm theo lời động viên: Em cứ vung tay viết thoải mái nhé – ý là gõ máy tính. Điều đó đã giảm áp lực rất nhiều trong tôi khi khởi đầu công việc mới này.

Rút đúc ra kinh nghiệm cho bản thân, các thành phần trong đoàn làm phim, tiếng anh, đơn giản.
Diễn viên Chí Trung trong cảnh phim “Tết này ai đến xông nhà”?

Uốn lưỡi nhiều lần càng tốt

Tôi không hiểu các anh chị em nào đã bắt đầu vào nghề này giống như xuất phát điểm của tôi không, có những hồi hộp lo lắng như tôi không? Chứ tôi khá là ‘rón rén’ và cẩn thận cho những bước đầu tiên. Uốn suy nghĩ không biết bao nhiêu lần trước khi tìm đến một đạo diễn; cho dù đa phần họ đều là những cô chú, anh chị và bạn của tôi trong hãng phim; có người tôi và họ cũng đã từng đi cùng đoàn phim với nhau. 

Tôi gần như học thuộc những điều đã định và chuẩn bị tâm thái tự nhiên đến gặp và nói với họ rằng, hiện giờ cháu, em… là  cộng tác viên của tạp chí điện ảnh – Tạp chí Thế giới điện ảnh thì ai trong ngành phim ảnh đều biết – muốn gặp anh để viết bài giới thiệu bộ phim anh đang chuẩn bị làm, hoặc muốn viết về một buổi quay của anh ngoài hiện trường…

Hiểu tâm lý người được phỏng vấn, sẽ có được nhiều thông tin hay

Mỗi một giai đoạn làm một phim đều cái hay riêng. Khi một đạo diễn chuẩn bị thai nghén cho bộ phim của mình, họ luôn tìm tòi ấp ủ những ý tưởng khác nhau về cách thể hiện, về cách xử lý những đoạn cao trào trong bộ phim của họ . Câu chuyện được mở đầu ra sao cao trào thắt nút như thế nào… cái kết hoàn hảo, có hậu hay cái kết để mở cho khán giả tự suy tư?…  họ say sưa tưởng tượng rồi kể lại trong tâm trạng hưng phấn về cách họ sẽ thể hiện câu chuyện phim của mình.

Những đạo diễn tôi tìm gặp và viết bài đều là những người có ý tưởng về phim khá đặc biệt và hay. Tôi nhận ra rằng, để có thế nghe được một câu chuyện đầy đủ và liền mạch của đạo diễn khi nói nói về bộ phim họ đang chuẩn bị, bản thân tôi người nghe cũng phải có thái độ chăm chú, động viên khuyến khích và tán thưởng cùng sự thăng hoa của họ bằng những biểu cảm phụ hoạ.  

Kinh nghiệm từ cuộc sống

Trước đây,  tôi đã chứng kiến khá nhiều các phóng viên đến phỏng vấn để viết bài về bố tôi (ông là tác giả và đạo diễn sân khấu).  Thường thì tôi không quan tâm để ý lắm; vì có bao giờ tôi nghĩ có lúc mình cũng giống mấy em tre trẻ kia; đi phỏng vấn và viết bài. Nhà tôi chật, có lúc tôi cũng phải đi ra đi vào làm việc nọ kia; hoặc thoảng nghe thấy bố tôi đang cao hứng nói say sưa về nghề bỗng im bặt; thấy lạ tôi tò mò ngó ra… 

Những lúc đó tôi thấy cô phóng viên đang lúi húi cẩn thận ghi chép vào một cuốn sổ; còn bố tôi thì nhìn cô ấy (ông đã bị cụt hứng ở câu chuyện dang dở). Rồi cô phóng viên báo kia lại hỏi, lại nói, rồi lại dừng; lại ghi chép và thế là người được phỏng vấn lại càng mất hứng! 

Ngày đó các phóng viên chưa thấy dùng máy ghi âm nhiều; vẫn ghi chép theo cách thô sơ như vậy. Khi đó tôi nghĩ, cứ lúi húi ghi chép thế kia thì làm cụt hứng người được phỏng vấn rồi; làm sao mà bắt được cái thần câu chuyện lúc họ thăng hoa nhất đây.  

Rút đúc ra kinh nghiệm cho bản thân

Qua thực tế cuộc sống, tôi đã rút ra được kinh nghiệm riêng cho bản thân mình khi phỏng vấn; tôi sẽ luôn ngồi đối diện với nhân vật được phỏng vấn và nhìn họ với ánh mắt tươi; nét mặt thân thiện và tỏ rõ thái độ đã sẵn sàng được nghe những câu chuyện tuyệt vời của họ về bộ phim tương lai. Bởi vậy chỉ thi thoảng tôi mới nhìn xuống cuốn sổ ghi chép như để xác định xuống dòng; tôi luôn nhìn vào mặt người đối diện để cùng biểu cảm với họ về câu chuyện mình được nghe; tôi nhanh tay ngoáy bút viết ghi lại vào cuốn sổ mà không nhìn; ghi rất nhanh, cố gắng để không bỏ sót một ý nào của họ. 

Cuốn sổ đó chắc chỉ có tôi đọc và hiểu, chữ của tôi có lẽ ngang tầm chữ của các bác sĩ. Có lẽ vì chúng tôi có cùng một đuôi ‘sĩ’ như nhau: Bác sĩ, hoạ sĩ, nghệ sĩ…  Cũng vì cái sự ngoáy tít tay viết đó mà bây giờ khi gõ bàn phím; nhãng một cái là tôi lại gõ tít nên khiến chính tả sai loạn xạ. 

Ý tưởng hay nhưng phim có hay? 

Điện ảnh là một môn nghệ thuật tổng hợp, thành công của bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn quay và giai đoạn hậu kỳ của bộ phim; phụ thuộc vào các thành phần tham gia làm việc trong một đoàn phim. Người chịu trách nhiệm chính bộ phim là đạo diễn, phim thành công họ nhắc đến đạo diễn, phim dở thì đạo diễn cùng được sướng tên. Đạo diễn là người dẫn lái con tàu mang tên Đoàn làm phim. Để phim hay, đạt hiệu quả tốt khi thực hiện ý tưởng của đạo diễn, thì phụ thuộc rất nhiều vào cách dẫn lái của người thuyền trưởng – là đạo diễn, phụ thuộc vào người quay phim, hoạ sĩ, diễn viên, hoá trang, phục trang, đạo cụ… và nhiều các thành phần khác nữa trong đoàn làm phim. 

Khoác ba lô, lang thang đoàn làm phim, tuyển nhân viên, các vị trí trong, doan lam phim, ký ức.
Một cảnh quay trong phim “Bông sen” do hãng phim truyện Việt Nam hợp tác với Angieri sản xuất.

Giai đoạn quay phim – Chuẩn bị cảnh quay

Để quay một cảnh phim, trước tiên tổ thiết kế hoàn thành bối cảnh quay trước khi đoàn đến. Cảnh quay đã được dựng và sắp xếp theo ý đồ của đạo diễn và quay phim. Bộ phận dựng cảnh và đạo cụ tiếp tục hoàn thiện bối cảnh cho cảnh quay…  Anh đạo cụ sắp đặt, bày biện những đạo cụ trong bối cảnh, trao cho diễn viên đạo cụ diễn xuất (đạo cụ gồm đạo cụ bối cảnh và đạo cụ diễn xuất). Họ còn cẩn thận nhìn vào khuôn hình máy quay xem; có còn cái gì ‘thừa’ nằm trong khuôn hình, rồi lại chạy tới dọn. Diễn viên lúc này đang được bộ phận hoá trang, phục trang chăm sóc. Ánh sáng đã đặt đèn theo đường hướng mà đạo diễn quay phim bàn định.

Các bộ phận xong xuôi cũng là lúc diễn viên vào cảnh diễn. Lúc này là phần việc quan trọng nhất của bộ phim. Đạo diễn, quay phim và diễn viên cùng nhau phối hợp để có được những thước phim đẹp về nội dung và hình ảnh… rất nhiều yếu tố được phối hợp nhịp nhàng, thì sẽ có được một bộ phim hay.

Khi diễn viên khóc trong phim

Về những yếu tố để có một bộ phim hay, nghe thì có vẻ đơn giản, kỳ thực không dễ chút nào. Đơn cử một cảnh quay trong một bộ phim: Một nhân vật nữ, vì một hoàn cảnh éo le nào đó khiến cô ta phải ‘khóc trong câm nín’.

Khóc có nhiều tình huống khác nhau. Khóc nức nở để xả cho hết những nỗi buồn mình đang trải qua, khóc nấc lên thể hiện sự ấm ức cần được giải toả… Mỗi hoàn cảnh khóc đều có cái khó. Nhưng khóc trong câm nín, có lẽ là tình huống thể hiện khó nhất cho diễn viên.

Mình và các đồng nghiệp đi làm nhiều phim còn thuộc cả khả năng khóc của mỗi diễn viên trong ngành mỗi khi vào cảnh quay này. Người thì chỉ tập trung vài phút lấy cảm xúc là có thể  khóc ngay; thậm chí có thể khóc như mưa như gió, khóc đến nỗi đạo diễn đã hô cắt cảnh quay rồi mà cô ấy… vẫn khóc, kiểu khóc này cũng chưa hẳn là tốt. Có người phải mất thời gian tập trung lâu hơn mới khóc được; nhưng lại có người không thể khóc được… lúc đấy, vì để không ảnh hưởng đến kế hoạch quay của đoàn; nhân viên hóa trang bèn phải lấy thuốc nhỏ mắt nhỏ cho diễn viên. Sau này hiện đại thì có nước mắt giả của nước ngoài thì nhìn cũng cảm giác nước mắt khóc thật hơn.

Luôn học hỏi để có được kết quả tốt, đoàn làm phim tuyển nhân viên, các vai trò, cách làm.
Cận cảnh quay diễn viên khóc.

Khóc trong câm nín

Khóc trong câm nín, là cái khóc kìm nén trong bên trong, nó rất tinh tế. Muốn khóc mà không được khóc; sự kiềm chế cảm xúc trong người nên khiến khán giả chỉ nhìn thấy được đôi mắt đẫm nước mắt của nhân vật; hoặc chỉ một giọt nước mắt đang sắp trào lên bờ mi. Diễn viên giỏi họ còn tiết chế được giọt nước mắt đấy nó đến đâu; để chỉ một giọt nước mắt ấy thôi từ từ tràn qua bờ mi rồi lăn xuống má. Quay cảnh này khó, nhất là cận cảnh, nó đòi hỏi sự diễn xuất rất tinh tế và sự phối hợp ăn ý giữa diễn viên, đạo diễn và quay phim.  

Mọi người hãy tưởng tượng; cận cảnh chỉ có gần như mỗi khuôn mặt của diễn viên trên màn chiếu phim; to không biết bằng bao nhiêu cái chiếu ghép vào nữa? Màn chiếu nhỏ nhất, thông dụng nhất là 14m x 7m; còn loại màn chiếu lớn nhất hiện có ở Sydney, Úc là 35,6m x 29,5m – nên hình ảnh nhìn được trên cái màn chiếu to tướng ấy thì giọt nước mắt khéo cũng phải to bằng quả mận chứ không nhỏ.

Quay cảnh khóc như thế nào

Khi các bộ phận trong đoàn xong công việc của mình; máy quay phim đã có khuôn hình chuẩn cận cảnh khóc; tất cả đoàn làm phim ai nấy vào vị trí, im lặng, cho diễn viên lấy cảm xúc để… khóc. Khi đã đủ cảm xúc để có thể “khóc”  thì diễn viên sẽ ra hiệu và quay phim bấm máy. Ví dụ như diễn viên hơi cúi đầu xuống để tập trung lấy cảm xúc; tới lúc cảm xúc trào dâng, họ sẽ từ từ ngẩng đầu lên – lúc này bấm máy quay – trên khung hình máy quay chỉ còn khuôn mặt diễn viên với đôi mắt lấp lánh, đẫm lệ, rồi một giọt nước mắt tràn qua bờ mi và lăn xuống má… Cắt: Tiếng hô của đạo diễn hô lên khi ông thấy cảnh diễn đã đủ độ dài cho các đoạn dựng   

Một lần ngồi tán gẫu cùng một diễn viên, chúng tôi bỗng nhìn thấy trên ti vi; một em diễn viên trẻ đang diễn cảnh khóc; mà nước mắt nước mũi nhoè nhoẹt, nhìn thấy rất ‘không đẹp’. Cả hai lại nói về tình huống khóc câm nín, em ấy cười bảo, khó phết đấy chị; nhưng em biết cách: Thường thì em để cảm xúc trào dâng; đến lúc thấy mắt bắt đầu ấm nóng, cảm thấy nước mắt đã đầy trong mắt; là em phải ngắt cảm xúc luôn, nếu không là nước mũi sẽ chảy ra ngay… mới thấy nghề nào cũng cần phải có những kỹ năng đặc biệt riêng.

Khoác ba lô, lang thang đoàn làm phim, doan lam phim trong tiếng anh gọi là gì, gồm những ai.
Diễn viên cần tập trung để có cảm xúc khi quay cảnh khóc.

Giai đoạn hậu kỳ phim

Giai đoạn này mình nhớ không rõ đã nghe ở đâu đó có người ví đây là giai đoạn “ma thuật”  khi làm phim. Có nghĩa là mọi biến hoá khi dựng bộ phim trên những thước phim đã quay; qua bàn tay giỏi của người dựng phim và sự thăng hoa của người đạo diễn; sẽ có được những cảnh phim cuốn hút người xem hay không. Người dựng phim giỏi cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của bộ phim.

Cứ như thế tôi đã đi và gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với khá nhiều người bên phim điện ảnh và phim truyền hình. Có được khá nhiều bài viết về những nghệ sĩ và những hoạt động của Điện ảnh và Truyền hình. Được cùng hoà vào không khí đoàn làm phim mà do hoàn cảnh riêng nên đã vài năm tôi không tham gia. Tôi thấy mình như một chú cá đã trưởng thành được bơi lội ở vùng nước thân quen xưa cũ, trong một vai trò mới…

Chuẩn bị cho một khám phá mới

Một ngày, tôi cùng hai anh Tuấn; tổng và phó tổng biên tập tạp chí ngồi nhâm nhi bên bàn trà; một trong hai anh lên tiếng: Bọn mình muốn nhờ Mây giúp cho mảng chân dung nghệ sĩ; làm những bài chân dung các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Mảng này để các em trẻ đi làm tiếp cận đôi khi chuyện trò không kéo, các cụ sẽ không thích. Thì ra cũng có lúc người “có tuổi”, nhất là phụ nữ tầm tuổi 40 như mình (thời đó) lại là một lợi thế.

Hai anh lên danh sách các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú mà tạp chí chưa viết chân dung cùng số điện thoại của họ rồi trao cho tôi. Vậy là tôi lại được khám phá thêm một mảng viết mới: Chân dung nghệ sĩ.

Bài viết như lời cảm ơn gửi đến những người tôi đã có duyên gặp gỡ; đã giúp đỡ tôi trong những năm tháng xưa cũ.

Xin kính chào quý vị!
Những bài biết của tôi là những ký ức chợt đến, khi tôi gặp những sự việc trong hiện tại gợi nhớ về Đoàn làm phim. Không hiểu chúng có mãn nhãn việc đọc của quý vị hay không? Nếu thích quý vị hãy chia sẻ để nhiều người hơn nữa biết về công việc làm phim khá là vất vả của chúng tôi.
Quý vị thích tìm hiểu những vấn đề gì trong hậu trường điện ảnh, truyền hình… hãy gửi tin nhắn qua trang fanpage của chúng tôi nhé!
https://www.facebook.com/mucwomen/
Biết đâu với kinh nghiệm hơn 20 năm lang thang Đoàn làm phim, tôi có thể thỏa mãn một chút sở thích đọc của quý vị bằng những câu chuyện vui, buồn trong những Đoàn làm phim. Xin chân thành cảm ơn quý vị!

Xem thêm: