“Có nhân, nhân mọc; không nhân, nhân trầm” là một trong những kinh nghiệm quý báu, những lời khuyên răn mà ông cha ta để lại cho đời sau. Trải qua bao nhiêu năm tháng câu tục ngữ này vẫn luôn là những món quà tinh thần còn mãi giá trị với thời gian…

1. Giải thích câu tục ngữ: “Có nhân, nhân mọc; không nhân, nhân trầm”

Trong sách Tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe, thuộc Tủ sách quốc học, xuất bản năm 1952, có giải thích về câu “Có nhân, nhân mọc; không nhân, nhân trầm” như sau:

Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền. Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc. Có nhân nhân mọc...
Sách Tục ngữ lược giải của Lê Văn Hòe, thuộc Tủ sách quốc học xuất bản năm 1952.

“Có nhân, nhân mọc; không nhân, nhân trầm. Có nhân là có lòng tử tế, không có nhân là ăn ở độc ác. Nhân mọc, là hột mọc thành cây; nhân trầm là hột trầm đi, không mọc thành cây.

Có nhân nhân mọc là ăn ở tốt thì lại gặp sự cũng tốt, cũng ví như cái hột lòng nhân nó mọc thành cây.

Không nhân nhân trầm, là ăn ở độc ác thì không gặp được điều tử tế, cũng như cái hột của lòng nhân nó trầm đi không mọc thành cây.

Đại ý câu này muốn nói: ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác.”

2. Ca dao tục ngữ tương tự về lòng nhân

Ở hiền gặp lành.

Ác giả ác báo.

Sinh sự sự sinh.

Oan oan tương báo.

Đạo trời báo phục chẳng lâu
Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai.

Kim chỉ có đầu
Tằm tơ có mối.

Sóng trước đổ đâu,
Sóng sau đổ đó.

Gieo gió gặt bão.

Của thiên trả địa.

Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức trời dành phúc cho.

Ở hiền rồi lại gặp lành
Áo rách tan tành, trời vá lại cho

3. Suy ngẫm: “Có nhân, nhân mọc…”

“Nhân chi sơ, tính bản thiện” – lương thiện vốn là bản chất nguyên sơ của sinh mệnh.

Thời nay, người ta được dậy cần phải phấn đấu. Càng đấu, càng hưng phấn; vì danh lợi nhất thời, duy vật nên không sợ Thần linh; bất cần hậu quả nên nhiều người đã để mất đi sự lương thiện vốn có của mình. Đánh đổi nhiều, nhưng mãi vẫn chẳng nắm bắt được hạnh phúc nội tại. Dường như phấn đấu và hạnh phúc không phải là đôi bạn cùng tiến…

Có nhân, nhân mọc; vì thiện lương nên biết đủ, vì lương thiện mà biết đối nhân xử thế, không so đo tranh giành; không gây thù chuốc oán từ đó mà thân khoẻ, tâm an. Lòng nhân là phẩm chất cao quý là nguồn tài sản vô giá cho mỗi người. Người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện lại cực kỳ thông minh; cái thông minh siêu thường. Người xưa dùng hình tượng Nhật (日), Nguyệt (月) bên nhau để biểu tượng cho chữ minh (明), nên thông với nhật, nguyệt thì chắc hẳn là có trí huệ, là một loại phúc lành.

Có nhân, nhân mọc; không nhân, nhân trầm” là một hình thức biểu đạt của luật nhân quả. Có những “quả báo” đến ngay trong đời, rất nhanh những sự nhân quả hẹn gặp ở kiếp sau. Sống nhân đức, khi duyên lành hội đủ, nhân sẽ mọc, Trời cao đã sẵn an bài…