Lẩu cá bông lau là một món ăn ngon, bổ dưỡng và phổ biến ở các tỉnh miền Tây. Vào bếp cùng Mucwomen để thực hiện cách nấu lẩu cá bông lau cho gia đình mình thưởng thức nhé!
Cá bông lau là loại cá da trơn, cùng họ với cá tra, có thịt thơm, ngon. Nó là loài di cư, có thời kỳ ở vùng biển ven bờ (đặc điểm riêng của loài này trong họ cá tra), có kỳ di cư trên sông (chỉ ở sông Mê kông mà không có ở các con sông khác) để sinh sản. Cá có kích thước lớn, lớn nhanh. Cá bông lau cũng có lúc sống ở vùng cửa sông Cần Giờ. Cá bông lau cũng rất dễ bị nhầm lẫn với cá Dứa (tên khoa học: Pangasius kunyit). Cá bông lau đuôi vàng lưng xanh xám, cá Dứa lưng xanh, đuôi vàng xanh hoặc đỏ vàng.
Xem nhanh
Nguyên liệu cần chuẩn bị

- Cá bông lau: 1 kg
- Me chua: 2 gói
- Cà chua: 4 trái
- Ớt: 3 trái
- Sả: 3 nhánh
- Rau ăn kèm
- Hành phi: 1 thìa canh
- Nước mắm: 1 thìa canh
- Gia vị thông dụng: 1 ít(đường, muối, hạt nêm, bột ngọt)
Cách chọn nguyên liệu tươi ngon
Cách mua cá bông lau tươi

Với cá bông lau, nên chọn những loại có kích thước vừa phải, đường vân da nổi rõ và sáng bóng.
Thân cá trong suốt, thịt cá khi ấn vào có độ đàn hồi nhất định.
Không chọn những con cá quá to hoặc quá nhỏ, màu sắc nhợt nhạt, mắt cá đục. Thịt cá quá mềm, có mùi lạ.
Cách mua cà chua tươi ngon
Nên chọn mua những trái cà chua có màu đỏ tươi và đều màu, mọng nước.
Chọn mua những trái cà chua chín mọng và có mùi thơm tự nhiên.
Không mua cà chua khi chín mà không có mùi thơm vì đây dễ là những quả có thể đã bị tiêm thuốc kích thích nhanh chín, không an toàn khi sử dụng, quả bị trầy xước, dập nát.
Cách chế biến lẩu cá bông lau
Sơ chế cá

Cá mua về làm sạch, bỏ ruột, rửa lại bằng nước sạch rồi cắt khúc khoảng 2 đốt ngón tay, để ráo.
Để cá hết nhớt và hết mùi tanh, nên xát cá với muối nhiều lần, sau đó rửa lại bằng nước sạch và để ráo nước.
Cách sơ chế cá bông lau không bị tanh
- Cách 1: Ngâm và rửa cá trong nước vo gạo trong 15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.
- Cách 2: Sử dụng gừng và rượu trắng để rửa cá, rửa lại bằng nước sạch.
- Cách 3: Dùng muối xát lên thịt cá, rồi rửa lại bằng nước sạch.
- Cách 4: Ngâm trong nước pha loãng với giấm khoảng 5 phút, rửa lại bằng nước sạch.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Cà chua rửa sạch, cắt miếng vừa ăn có hình múi cau. Sả rửa sạch, cắt bỏ phần thân và lá xanh rồi đập dập thân sả.
Rau ăn kèm mua về nhặt bỏ lá úa, rửa sạch, để ráo nước.

Mách nhỏ: Mua rau theo khẩu vị của gia đình hoặc nhờ người bán rau gợi ý.
Nấu lẩu
- Đun sôi một lượng nước vừa đủ (khoảng 2 lít), sau đó cho cà chua đã cắt vào nồi.
- Cho 2 gói me vào chén, thêm một chút nước sôi và ngâm để lấy nước me cho vào nồi nước lẩu, lưu ý không cho hạt me vào. Sau đó cho 3 nhánh sả đã đập dập vào trộn cùng.
- Đợi nước lẩu sôi, cho hỗn hợp gia vị gồm: 1/2 thìa canh muối, 2 thìa canh hạt nêm, 1/2 thìa canh bột ngọt, 3 thìa canh đường, 1 thìa canh nước mắm vào nồi lẩu, dùng vá khuấy đều cho đến khi tất cả các gia vị được hòa tan. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng.
- Tiếp tục, cho thêm 1 thìa canh hành phi để nước dùng thơm ngon hơn. Cuối cùng cho cá bông lau vào, đợi hỗn hợp sôi trở lại là cá đã được nấu chín thì có thể thưởng thức rồi.

Thành phẩm
Vậy là đã hoàn thành món lẩu cá bông lau thơm ngon, bổ dưỡng, đúng chuẩn vị miền Tây. Cá có màu trắng tươi, phần nước dùng lẩu có màu nâu nhạt cùng với màu đỏ của cà chua, trông bắt mắt và hấp dẫn.
Khi ăn thịt cá mềm và béo, nước lẩu đậm đà, có vị chua ngọt nhẹ, ăn kèm với bún và rau sẽ ngon hơn.

Phân biệt cá bông lau và cá dứa
- Cá dứa: sống ở vùng nước lợ, mỡ hơi vàng, thân ngắn hơn cá bông lau, bụng to hơn cá bông lau do nhiều mỡ hơn, thân màu đục, không trắng.
- Cá bông lau: sống vùng nước ngọt, thân dài hơn, không nhiều mỡ, mỡ trắng và thịt thơm hơn, thân trắng hơn cá dứa, sống nhiều ở sông Vàm Nao – An Giang.
Xem thêm: