Người hàng xóm vàng – là cách Tổ dân phố 9 gọi những người âm thầm mang lại bình yên và ấm áp cho xóm nhỏ. Là bác tổ trưởng cần mẫn, cô bán tạp hóa luôn sẵn trà nóng, hay chú xe ôm không ngại giúp chở đồ nặng.
“Đại hội Người hàng xóm vàng” năm nay là dịp để cả tổ cùng nhau ôn lại những câu chuyện xưa, cười bên nhau và thấy lòng mình nhẹ nhõm. Vì sống gần nhau, quan tâm nhau ấy mới là điều quý giá nhất.
- Cuộc đại náo của nhóm Zalo tổ dân phố 9
- TH lan tỏa tiêu dùng xanh với “Ngày không sử dụng túi ni-lông”
- Khi về già mới thấm chỉ có 3 người này luôn ở bên ta
Xem nhanh
Chuyện bắt đầu từ một sáng Chủ nhật đẹp trời…
Sáng hôm ấy, khi mặt trời vừa ló khỏi mái ngói nhà bà Tư, tiếng loa tổ dân phố bỗng vang lên: “Alo alo! Mời bà con tổ dân phố 9 chiều nay 3h15 họp bất thường tại nhà văn hóa. Nội dung: Bình chọn Người hàng xóm vàng. Mong mọi người đến đầy đủ, không vắng mặt không lý do.”
Nghe “người hàng xóm vàng”, cả tổ xôn xao. Nhà nào cũng bắt đầu lục lại trí nhớ xem ai đáng để vinh danh. Người thì tự nhủ “ôi, chắc là bác Lân rồi, bác hiền lành, tốt bụng”. Người khác thì thì thầm “chắc cô Đào, ngày nào cũng quét sân, sạch bong”. Riêng cô Thắm – chuyên viên cấp cao trong ngành… kể chuyện hàng xóm thì hí hửng lôi gương ra soi, chỉnh lại mái tóc và nghĩ thầm: “Mình là người sống chan hòa, cả phố ai cũng quý mình!”

Người hàng xóm vàng: Hội trường nóng hơn… cà phê vỉa hè
Bình thường, mỗi lần họp tổ dân phố vắng còn hơn giờ học thể dục buổi sáng. Người viện cớ “đang đi công tác”, người thì báo “bận đám cưới họ hàng xa tận… Lào Cai”, thậm chí có người còn báo bị cúm cả nhà nên không ai đi được.
Thế mà không hiểu sao lần này, ai cũng có mặt. Từ cụ Năm lưng còng hiếm khi rời nhà; đến chị Hạnh bán hàng online suốt ngày dán mặt vào điện thoại – tất cả đều đã an vị trong hội trường từ khi kim đồng hồ mới nhích qua số 3.
Lý do đơn giản lắm: “Bình chọn Người hàng xóm vàng” – một chủ đề đủ sức khiến dân tình bỏ cả nồi cơm đang sôi để đi họp. Không đi thì sao? Nhỡ bị người khác bầu, hoặc… bị “bóc” trước mặt toàn tổ thì sao?
Và thế là, cái hội trường cũ kỹ – nơi từng được dùng làm sân khấu cho đội văn nghệ hát “Mùa xuân ơi” vào Tết năm ngoái bỗng hôm nay đông kín như mở hội. Không khí vừa râm ran, vừa hồi hộp, lại phảng phất mùi “kể tội lẫn nhau” nhẹ nhàng.
Vòng đề cử – ai cũng có điểm sáng… và vết muội
Bác Tám – tổ trưởng mở lời đầy khí thế: “Chúng ta hôm nay sẽ cùng nhau bình chọn Người hàng xóm vàng – người tử tế, hòa nhã, có nhiều đóng góp cho tổ dân phố. Ai có ý kiến đề cử, xin mời!”
Bác Tám vừa dứt lời, cô Hoa nhà số 3 giơ tay: “Tôi đề cử bác Lân. Bác sống một mình, ít nói, nhưng ai nhờ gì bác cũng giúp. Từ dắt xe, bê đồ, đến phát khẩu trang hồi dịch bác làm rất nhiệt tình.”
Cả hội trường gật gù. Nhưng rồi cô Bích ở dãy bên kia lên tiếng: “Bác Lân tốt thật, nhưng bác nuôi chó mà hay để nó chạy lung tung; hôm kia nó ị nguyên bãi trước cửa nhà tôi đấy.”
Mọi người cười rũ rượi. Bác Lân đỏ mặt nhưng vẫn cười hiền hậu.
Đến lượt bác Tư đứng dậy, bác vừa nói với vẻ đầy tự hào (và có phần… hồi hộp): “Tôi xin đề cử cô Đào – vợ tôi. Cô ấy sáng nào cũng quét sân chung; nhắc người ta bỏ rác đúng giờ; dọn tàn thuốc lá ở bồn hoa. Việc ai cũng thấy mà ít ai chịu làm.”
Cô Mai tiếp lời, giọng nửa đùa nửa thật: “chị Đào nổi tiếng khó tính của xóm, chị mà lườm một cái là lá rác cũng tự bay vào thùng.” Cả phòng cười rộ lên, còn bác Tư thì cố cười trừ.
Rồi đến cô Thắm, người khiến ai cũng phải cảnh giác khi chuyện gì xảy ra chưa đầy 30 phút đã thành tin tức toàn tổ: “Tôi xin đề cử bản thân. Tôi hay giúp mọi người nhận hàng, ai ốm tôi biết đầu tiên, ai buồn tôi an ủi.”
Danh sách đề cử cứ dài thêm, bởi ai cũng chợt nhớ ra còn nhiều người xứng đáng nữa chưa kịp nhắc tên.
Kịch tính dâng cao – twist xuất hiện từ người không ai để ý
Khi vòng đề cử đã tạm khép lại trong không khí vừa hài hước vừa ngổn ngang cảm xúc, thì từ hàng ghế sau, một tiếng ho khẽ vang lên.
Là cụ Năm – người phụ nữ hơn tám mươi tuổi, tóc bạc trắng, sống trong căn nhà nhỏ cuối hẻm. Cụ rất ít khi phát biểu, thậm chí có lần họp còn ngủ gật ngon lành.
Cụ đứng lên, hơi run tay vịn vào thành ghế, rồi nói chậm rãi:
“Tôi không đề cử ai cả. Tôi chỉ muốn nói cảm ơn. Hồi tôi bị đau chân, có người để sẵn túi đá lạnh trước cửa, còn dán mảnh giấy nhỏ: ‘Cụ ơi cụ chườm cho đỡ sưng nhé!’ Có bữa trời mưa, tôi lúi húi kéo quần áo, chưa kịp gom cái ghế ngoài sân. Tối ra thì thấy ghế khô cong, ai đó đã mang vào hộ, còn úp ngay ngắn cạnh bậc thềm. Hôm mất điện, tôi đi loanh quanh mãi không tìm được đèn. Sáng hôm sau, có người gắn cái đèn pin nhỏ lên tường nhà, ngay sát cửa.”
Cụ Năm cười móm mém: “Mấy cái nhỏ nhỏ vậy thôi, nhưng tôi thấy ấm lòng lắm. Tôi già rồi, chẳng cần gì, chỉ cần được sống giữa những người biết nghĩ cho nhau.”
Người hàng xóm vàng – Kết thúc không có cúp vàng, nhưng có chè nóng và tình làng nghĩa xóm
Sau khi cụ Năm ngồi xuống, cả phòng vẫn im lặng một lúc lâu. Rồi bác Tám – tổ trưởng khẽ gật đầu, cất lời: “Chúng ta không chọn được người để trao giải “người hàng xóm vàng”. Nhưng tổ dân phố 9 hôm nay đã chứng minh: mỗi người một chút tử tế, thì cả xóm sẽ sáng rực như vàng mười.”

Không ai phản đối. Mọi người bỗng thấy nhẹ lòng. Bỏ qua lá phiếu; bỏ qua những cái tên, chỉ còn lại một điều chung: ai cũng đã từng là người hàng xóm vàng trong mắt ai đó.
Đúng lúc đó, cô Thắm với phong cách “đến cuối vẫn không quên tạo điểm nhấn” đứng bật dậy: “Em có nồi chè đậu đen bở tơi. Không có cúp, thì mình ăn chè mừng tình làng nghĩa xóm!”
Tiếng vỗ tay vang lên như phá tan mọi khoảng cách. Chẳng ai được giải, nhưng mọi người ngồi lại với nhau lâu hơn mọi buổi họp trước. Mỗi người một chén chè, xì xụp giữa tiếng cười rì rầm. Có người kể chuyện cũ; có người rủ nhau trồng lại bụi hoa giấy, có người… hỏi vay tạm cái ổ cắm điện.
Vàng không ai cầm về, nhưng ai cũng mang ra một chút
Tổ dân phố 9 hôm ấy không chọn được ai làm “người hàng xóm vàng”. Nhưng chẳng ai về tay trắng cả. Người mang về một câu chuyện vui, người gói mang theo chút suy ngẫm, người thì… lỉnh kỉnh thêm hai cốc chè về cho chồng với con.
Và có lẽ, cái quý nhất không nằm trong lá phiếu, mà nằm ở chỗ: Từ hôm đó trở đi, ai cũng sống tử tế hơn một chút – không phải để được bầu chọn, mà vì biết rằng mình đang ở trong một xóm nhỏ, nơi mỗi người đều là hàng xóm vàng trong mắt ai đó.