Nguyên tắc dưỡng sinh yêu cầu coi trọng cả tâm lẫn thân. 10 điều “không nên quá” dưới đây là những cách dưỡng sinh – dưỡng thần hiệu quả của người xưa.

1. Không ăn quá no

“Ăn không quá no” tức là không được ăn to uống nhiều. Phải thường xuyên giữ cho cơ thể có cảm giác đói vừa phải. Ăn nhiều không có lợi cho dưỡng sinh. “Thường có ba phần đói, bách bệnh không dám đến”.

2. Không mặc quá ấm

Ăn mặc giản dị, phù hợp và thoải mái. Lựa chọn trang phục phù hợp nhất dựa theo thời tiết, khí hậu và sức chịu đựng của cơ thể. Cơ thể người mà khí huyết lưu thông thì sẽ không cảm thấy lạnh.

Dưỡng sinh hiệu quả
Cần tăng cường tập luyện, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để dưỡng sinh hiệu quả. (Ảnh: Pixabay)

“Mặc không quá ấm” chính là việc giữ ấm không nên quá phụ thuộc vào quần áo. Cần tăng cường tập luyện, nâng cao sức đề kháng và sức sống cơ thể thì mới có thể dưỡng sinh hiệu quả. 

3. Không ở quá xa xỉ

Nơi ở nên đơn giản, đón không khí, tự nhiên. “Cửu thủ” trong dưỡng sinh chính là nếu chúng ta giữ lối sống quá xa hoa, đi ngược lại với đạo thì tự sẽ khó trường thọ. Cửu thủ đó là:

Giữ hòa: âm dương hài hòa;

Giữ tín: giữ vững tinh thần;

Giữ khí: giữ gìn khí huyết trong cơ thể;

Giữ người: hành động theo đạo nhân nghĩa;

Giữ giản: tiết kiệm để dưỡng sinh;

Giữ dị: không sống vì tác động bên ngoài;

Giữ lặng: điềm tĩnh và thuận theo tự nhiên;

Giữ đầy đủ: biết hài lòng với những gì đang có;

Giữ nhược: khí huyết hài hòa và trạng thái bình yên.

Trong đó, giữ sự giản dị, giữ cho mọi chuyện nhẹ nhàng, giữ cho tâm bình lặng chính là phải giản dị tiết kiệm, giữ gìn bản thân, quay về với thiên nhiên. Đây chính là một trong những bí quyết dưỡng sinh hiệu quả.

4. Không hành quá hoang phí

Người xưa hoàn toàn không phủ nhận tài phú. “ành không quá phú” chính là muốn nói không được quá đeo đuổi tiền bạc hoặc khổ vì chúng. Hành là hành vi xử sự không được vung tiền. hi làm việc gì đó (hành sự) không được quá chú trọng tiền bạc mà xem nhẹ đạo đức. Đồng thời cũng không được đặt tiền bạc làm tiền đề mà hành động.

5. Không quá lao lực

Nguyên tắc dưỡng sinh của người xưa nhấn mạnh “làm việc điều độ, không hại đến cơ thể”. “Ngũ lao thất thương” là điều cấm kỵ.

“Ngũ lao” bao gồm nhìn lâu hại máu, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại cơ thể, đứng lâu hại xương cốt, đi lâu hại bắp thịt.

“Thất thương” ý nói quá no thương tì; giận dữ thương can; vác nặng ngồi lâu thương thận; mình rét uống lạnh thương phế; lo buồn suy nghĩ thương thần; mưa gió nóng rét thương hình; lo sợ không điều độ thương chí.

Vì vậy, người muốn dưỡng sinh thì phải cố gắng tránh ngũ tạng, máu huyết, kinh mạch, xương cốt bắp thịt phải làm việc quá sức hoặc xúc động thái quá mà dẫn đến tổn hại sức khỏe.

6. Không sống quá an nhàn

Tục ngữ có câu “sống vì gian khổ, chết vì an lạc”. Sự tự nhiên thoải mái, sống thanh bần vui đời mà người xưa nói đến hoàn toàn không phải là muốn con người ta không cần lo nghĩ, khư khư an nhàn. Ý nghĩa thực sự chính là chúng ta phải vượt qua hiện thực, vượt lên cái tôi để lòng được nhẹ nhàng. Cảnh giới được nâng cao, trí tuệ được phát triển.

7. Không vui quá đà

“Vui” là một trạng thái cảm xúc thuộc về “thất tình” của con người. “Thất tình” gồm mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ và ham muốn.

Người xưa có câu “vật cực tất phản” (cái gì quá cũng không tốt). Bởi vậy, vui quá có thể hóa thành buồn. Do đó mới có trạng thái “mừng chảy nước mắt”.

“Không nên vui quá đà” nhắc nhở chúng ta cần kiềm chế cảm xúc ở mức độ vừa phải. Ngay cả khi đó là cảm xúc tích cực. Cảm xúc vượt quá giới hạn của tâm lý và tinh thần sẽ gây phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe con người.

8. Không quá tức giận

Tức giận sẽ hại mình, hại người. Đây là trạng thái cảm xúc “lợi bất cập hại” đối với cơ thể. Chỉ một việc nhẹ cũng nổi giận; rồi lại không biết kìm chế cơn giận của mình là điều tối kỵ trong nguyên tắc dưỡng sinh.

Dưỡng sinh hiệu quả
Không biết kiềm chế cơn giận là điều tối kỵ trong dưỡng sinh. (Ảnh Pixabay)

Nếu biết chuyển đổi cơn giận thành sự cảm thông, nỗi lòng bức bối không những được giải tỏa mà tinh thần cũng trở nên thanh thản. Từ đó tránh được nhiều thương tổn không đáng có đối với sức khỏe.

9. Không quá cầu danh

Người xưa cho rằng công danh ở đời vốn chỉ là thứ nhất thời. Có người hôm nay thăng quan tiến chức, hôm sau lại bị trắng tay. Thậm chí gặp vận hạn, phải vào tù ra tội. Do đó, không nên quá mưu cầu danh lợi.

Nếu chúng ta thực sự rèn luyện được bản lĩnh “không quan tâm đến việc hơn thua ở đời”, ắt sẽ có được tấm lòng khoan dung, độ lượng. Cuộc sống cũng nhờ vậy mà vô tư, ít sầu lo hơn rất nhiều.

10. Không quá ham lợi

Người có lòng tham vô đáy ắt không bao giờ thấm được lợi ích của việc dưỡng sinh.

Truy cầu vật chất quá mức sẽ kéo theo vô số hệ lụy đáng sợ về sức khỏe, tinh thần, đạo đức, nhân cách… Nếu không thể khống chế được dục vọng này, con người ắt rơi vào trạng thái đau khổ không thể thoát ra được.